Annika Dahlberg, nhiếp ảnh gia ở công ty du lịch Blue Dolphin Marine Tours tại vịnh Hervey, Queensland, chụp ảnh những con rận và hà bám trên cá voi lưng gù mẹ và con non khi chúng di cư tới Nam Cực trong các tháng mùa hè ở Nam bán cầu, Newsweek hôm 13/10 đưa tin.
"Chúng tôi bắt gặp cá voi với rận ký sinh trong nhiều dịp suốt cả mùa. Chúng tôi thường thấy rận tụ tập ngay trên mặt cá voi. Một hành vi phổ biến của cá voi ở vịnh Hervey là ‘mugging’, trong đó cá voi tiếp cận tàu thuyền và bơi rất gần. Chúng thường nhô đầu lên khỏi mặt nước để quan sát kỹ hơn xung quanh. Đây là cơ hội hoàn hảo để nhìn gần mặt của chúng", Dahlberg chia sẻ.
Cá voi là vật chủ hấp dẫn đối với các loài ký sinh trùng. Nhiều loài cá voi có hàu bám khắp da và cá mút đá hút máu. Rận cũng sống trên da một số loài cá voi, tập trung ở những nếp gấp da như mũi, cơ quan sinh dục và mắt. Số lượng rận ký sinh trên một con cá voi có thể lên tới 7.500 con. Loài rận trong bức ảnh do Dahlberg chia sẻ có tên khoa học là Cyamus boopis và chỉ sống trên cá voi lưng gù.
"Chúng tôi trông thấy cả rận non và rận trưởng thành. Chúng cực kỳ nhỏ khi nhìn từ xa nhưng khi cân nhắc cá voi dài tới 15 m, bạn sẽ nhận ra con rận khá lớn. Nhiều con rận mà chúng tôi bắt gặp dài khoảng 10 mm", Dahlberg nói.
Rận sống cả đời trên cá voi, không bao giờ trôi nổi hay bơi ở cột nước. Chúng có thể bò qua lại giữa những con cá voi thông qua va chạm, thường trong quá trình giao phối hoặc chiến đấu. Khi cá voi lưng gù bị ốm hoặc bị thương và bơi chậm lại, quần thể rận sẽ bùng nổ, theo nhà điều hành tàu du lịch Peter Lynch. Lynch và đồng nghiệp từng bắt gặp một con cá voi ốm yếu bơi vào vịnh với bề ngoài màu hồng. Toàn bộ cơ thể nó bị rận cá voi bao phủ.
Rận cũng cung cấp một số lợi ích cho vật chủ cá voi. Chúng chủ yếu ăn tảo mọc trên da cá voi. Chúng cũng ăn da chết và vùng da quanh vết thương. Tuy nhiên, nếu rận bám ở gần mắt hoặc lỗ phun, những vùng nhạy cảm trên cơ thể, cá voi có thể lao lên mặt nước để tìm cách thoát khỏi loài ký sinh trùng này.
An Khang (Theo Newsweek)