Theo công bố trên Tạp chí Lịch sử Tự nhiên hôm 9/8, các nhà nghiên cứu quốc tế từ Đài Loan, Nhật Bản và Australia đặt tên cho loài mới là Bathonymus yucatanensis. Nó dài khoảng 26 cm và rộng 13 cm, lớn hơn tới 2.500% so với những con rận gỗ thông thường.
Hiện có khoảng 20 loài rận biển khổng lồ được biết đến trong chi Bathonymus, 14 trong số đó sinh sống dưới các vùng nước sâu, tối tăm và lạnh lẽo nhất của Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Chi giáp xác lớn nhất trong bộ Chân đều này còn được mệnh danh là những "hóa thạch sống" khi đã lang thang dưới đáy đại dương từ thế Trung Tân cách đây hàng chục triệu năm, theo BBC.
Mẫu vật Bathonymus yucatanensis trong nghiên cứu này được thu thập từ một cái bẫy ở ngoài khơi bán đảo Yucatán của Mexico vào năm 2017 dưới độ sâu khoảng 600 đến 800 m, sau đó được mua lại bởi Thủy cung Enoshima ở Fujisawa, Nhật Bản.
Trong suốt 5 năm qua, nó bị nhầm lẫn với một loài rận biển khổng lồ khác là Bathonymus giganteus, cho đến khi nhà sinh vật học Huang Ming-Chih từ Đại học Quốc gia Đài Nam của Đài Loan quyết định giải trình tự ADN của con vật trong một dự án nghiên cứu về di truyền ở động vật chân đều.
Huang đã rất ngạc nhiên khi thấy sự khác biệt đáng kể giữa bộ gene của loài rận biển mới với Bathonymus giganteus. "Ban đầu, tôi còn tưởng có sự nhầm lẫn nên đã lặp lại thí nghiệm giải trình tự ADN vài lần, nhưng kết quả vẫn giống nhau", tác giả chính của nghiên cứu chia sẻ.
So với Bathonymus giganteus, Bathonymus yucatanensis có tỷ lệ cơ thể mảnh mai hơn và tổng chiều dài ngắn hơn. Chiếc râu cực dài và cơ thể màu vàng sữa trông cũng nổi bật hơn so với họ hàng màu xám của nó.
Mặc dù có vẻ ngoài đáng sợ từ thời tiền sử, Bathonymus yucatanensis vô hại đối với con người. Chúng chủ yếu ăn xác chết của cá và cá voi chìm dưới đáy đại dương.
Đoàn Dương (Theo NewScientist)