Nhóm bắt rắn của Stuart McKenzie hôm 16/11 được gọi đến một gia đình ở Queensland. Khi kéo ngăn kéo chứa lego dưới gầm giường, gia đình đã phát hiện con rắn màu nâu nằm ngay phía sau.
McKenzie xác định đây là rắn cây nâu và nó có thể đã ở dưới gầm giường suốt đêm khi bé gái say ngủ. Sau khi đưa con rắn ra khỏi căn nhà, McKenzie mang nó vào bụi rậm và thả trở lại tự nhiên.
"Câu hỏi chưa được giải đáp là con rắn đã ở dưới đó trong bao lâu. Đây là rắn cây nâu nên chúng tôi cho rằng nó đã xuất hiện từ đêm qua, vì loài này sống về đêm. Khả năng cao là cô bé đã ngủ khi có rắn trong phòng", McKenzie giải thích trên Facebook.
Video bắt rắn được đăng lên Facebook và nhận được hơn 1.000 bình luận. McKenzie giải thích rắn cây nâu thường bị nhầm với rắn nâu phương đông nguy hiểm hơn nhiều và được coi là loài rắn độc thứ hai trên Trái Đất.
Rắn nâu cây có nọc độc nhưng ít gây chết người hơn rắn nâu phương đông, vốn là nguyên nhân gây ra nhiều ca tử vong ở Australia hơn bất kỳ loài rắn nào khác. Không có trường hợp người lớn tử vong do rắn cây nâu, nhưng Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) cho biết trẻ em có thể phản ứng bất lợi với vết cắn của loài bò sát này.
Rắn cây nâu gây ra nhiều vấn đề đối với hệ sinh thái hơn là đối với con người. Loài bò sát này có nguồn gốc từ các vùng của Indonesia, quần đảo Solomon, New Guinea và Australia, nhưng đang lan rộng sang các khu vực khác. Phạm vi địa lý của rắn cây nâu đã mở rộng đến Guam, Saipan và các đảo ở tây Thái Bình Dương.
Con rắn cây nâu đầu tiên được phát hiện ở Gaum những năm 1950. Đến đầu những năm 2020, số lượng loài đã tăng từ 4.000 đến 10.000 con/2,5 km2 trên toàn bộ hòn đảo.
Khi loài bò sát di cư đến môi trường sống mới, chúng sẽ tiêu diệt các quần thể động vật có xương sống nhỏ tại địa phương. Nó có thể ăn lượng thức ăn bằng 70% khối lượng cơ thể của mình mỗi ngày. Rắn cây nâu nhỏ ăn các loài chim nhỏ, động vật lưỡng cư, thằn lằn và các loài bò sát khác. Những con lớn sẽ săn các loài chim lớn, thằn lằn lớn hơn và động vật có vú nhỏ.
Huyền Lê (Theo Newsweek)