Trong vụ án mới nhất, tòa án ở bang Kerala hôm 11/10 kết tội một chuyên gia về động vật hoang dã giết vợ bằng rắn hổ mang hồi tháng 5/2020. Sooraj, 27 tuổi, đã bỏ đói con rắn suốt một tuần, khiến con vật càng trở nên hung dữ. Anh ta sau đó cho vợ uống thuốc ngủ và thả con rắn vào giường trong lúc nạn nhân đang ngủ say.
Sooraj mua con rắn hổ mang từ một người bắt rắn khoảng hai tháng sau lần giết vợ bất thành. Trong lần ra tay trước đó, anh ta sử dụng một con rắn lục, nhưng người vợ đã bình phục sau vết cắn.
Các chuyên gia nói với tòa án rằng vết rắn cắn tự nhiên thường lớn khoảng 1,8 cm nhưng trong trường hợp này, vết cắn gần 2,8 cm. Theo các chuyên gia, điều đó cho thấy Sooraj đã kích động con vật.
Phán quyết ở Kerala được đưa ra chỉ vài ngày sau khi các thẩm phán Tòa án Tối cao cảnh báo "xu hướng mới" đáng lo ngại ở bang Rajasthan, nơi rắn đang được sử dụng làm vũ khí giết người. Các thẩm phán đang xem xét đơn xin tại ngoại của Krishna Kumar, một trong ba người bị truy tố tội giết người.
"Có thể buộc tội giết người khi bị cáo không ở gần hiện trường và cũng không tìm thấy vũ khí giết người sao", luật sư biện hộ Aditya Chaudhary đặt câu hỏi cho các thẩm phán.
"Đúng", thẩm phán trả lời, nếu vũ khí giết người là một con rắn.
Họ bác bỏ lập luận của Chaudhary rằng không có gì cho thấy Kumar liên quan đến tội ác vì anh ta chưa bao giờ đến nhà của Subodh Devi, người phụ nữ bị sát hại ở Rajasthan năm 2019.
Công tố viên nói với tòa rằng con dâu của bà Devi, Alpana, đã ngoại tình trong lúc chồng đi làm nhiệm vụ. Devi phát hiện và yêu cầu Alpana chấm dứt cuộc tình vụng trộm. Alpana và người tình sau đó cùng bạn của họ là Kumar đến nhà người bắt rắn và mua con rắn với giá 10.000 rupee (132 USD). Họ để con rắn trong chiếc túi gần giường của Devi khi bà đang ngủ và con vật đã cắn chết bà.
Những trường hợp tử vong do rắn cắn rất phổ biến ở Rajasthan nên cảnh sát ban đầu không nghi ngờ. Tuy nhiên, họ thay đổi hướng điều tra sau khi phát hiện cặp tình nhân đã trao đổi 124 cuộc điện thoại vào ngày Devi qua đời.
"Làm sao Kumar có thể tham gia âm mưu giết người khi không ai có thể đoán được con rắn sẽ cắn ai?", Chaudhary biện luận.
Các thẩm phán bác bỏ lập luận này. "Đây là xu hướng mới, người ta mua rắn độc từ những người bắt rắn và để nó cắn chết người. Thủ đoạn này đang trở nên phổ biến ở Rajasthan", các thẩm phán cho hay.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 58.000 người Ấn Độ bị rắn cắn mỗi năm.
Huyền Lê (Theo SCMP)