Bài viết được tư vấn bởi ThS.BS Trần Ngọc Khánh Nam, khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM.
Rạn da (stretch marks) là một trong những hiện tượng khá phổ biến với bà bầu, ảnh hưởng đến vẻ đẹp làn da.
Vì sao rạn da?
- Rạn da là các lớp mô sẹo hình thành do sự rách lớp trung bì của da ở những vùng mà cơ thể giãn nở nhanh quá khả năng co giãn của da.
- Khi những vết rách này lành lại, tạo thành những vết sẹo mỏng được gọi là vết rạn da.
Khi nào rạn da?
- Rạn da có thể bắt đầu phát triển ngay từ ba tháng đầu của thai kỳ do lượng hormone tăng nhanh.
- Tuy nhiên, chúng thường xuất hiện nhiều nhất vào quý hai và quý ba của thai kỳ.
- Mang thai lần đầu thường xuất hiện nhiều vết rạn hơn những lần mang thai sau.
Sự khác biệt giữa các vết rạn đỏ, trắng và tím
- Khi mới hình thành, vết rạn thường có màu đỏ và gây ngứa, vùng da xung quanh thường phẳng và mỏng.
- Một vài tháng sau khi sinh, da sẽ hơi chùng, vết rạn mờ dần, bắt đầu chuyển sang màu tím và từ từ chuyển sang trắng hoặc bạc xỉn.
Ngăn ngừa và điều trị rạn da
Thực tế, chưa có loại kem hay dầu nào hữu ích trong việc ngăn ngừa rạn da hoàn toàn. Tuy nhiên, nhận biết sớm và sử dụng kết hợp các sản phẩm massage giúp tăng độ ẩm và khả năng co giãn của da, giảm sự xuất hiện của các vết rạn. Theo năm tháng, các vết rạn sẽ mờ dần thành các vệt mịn gần với màu da của cơ thể. Do đó:
- Nên giữ da luôn có độ ẩm cần thiết với các loại kem dưỡng da hoặc kem dưỡng ẩm, dầu từ trước khi bước vào thai kỳ.
- Kết hợp chế độ ăn uống lành mạnh, vận động thể chất để làn da mẹ bầu tươi sáng, săn chắc hơn.
Mỹ Ý