Thứ sáu, 25/10/2024
Thứ bảy, 30/9/2023, 00:27 (GMT+7)

Rằm tháng 8 của gia đình đạo Cao Đài

Tây NinhBà Dương Thị Bị dậy sớm để chuẩn bị cho Hội yến Diêu Trì Cung (vía Đức Phật Mẫu), đại lễ lớn nhất năm của người theo đạo Cao Đài, sáng 29/9.

6h sáng, bà Bị (trú xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu) mặc áo dài trắng, thực hiện thời (lễ) cúng đầu tiên trong ngày.

Người phụ nữ 65 tuổi đọc kinh, chắp tay hành lễ theo quan niệm của đạo Cao Đài: tay trái là dương, tay phải là âm, khi chắp tay hành lễ, đầu ngón cái ấn vào ngón áp út, tay còn lại bọc qua với ý nghĩa hồi hướng về Ngôi Trời.

Những người theo đạo như bà ăn chay 10 ngày trong tháng và duy trì hành lễ tứ thời vào các khung giờ Tý, Ngọ, Mão, Dậu trong ngày (6h, 12h, 18h và 0h).

Bà Bị giải thích, đại lễ Hội yến Diêu Trì Cung được tổ chức vào ngày Rằm tháng 8 hàng năm. Lễ có xuất xứ từ tích vua Hán Vũ Đế tiếp đón đức Phật Mẫu trong đêm Rằm tháng 8, sau được đạo Cao Đài đón nhận, nâng cao thành một phần quan trọng trong giáo lý và nghi lễ. Lễ hội được tổ chức lần đầu tiên năm 1925. Tháng 9/1926, họ kết hợp với nhóm Ngũ chi Minh đạo của Ngô Văn Chiêu thống nhất khai đạo tại tỉnh Tây Ninh, chính thức ra mắt đạo Cao Đài.

Bàn thờ của gia đình theo đạo Cao Đài gồm 12 vật phẩm như đèn, ly, mâm quả, lư hương, trái cây được bố trí trên bậc tam cấp. là hình một con mắt nằm trong hình tam giác, tượng trưng cho Thượng đế. Ngoài ra, đạo còn thờ các vị như Phật Thích Ca, chúa Jesus, Khổng Tử, Lão Tử, Phật Bà Quan Âm.

Đặc biệt, đèn thái cực đặt giữa luôn được thắp sáng cả ngày như mong muốn tâm con người luôn sáng ngời.

Sau lễ tứ thời, bà Bị cùng con gái là chị Huỳnh Thị Thanh Vân (41 tuổi, trái) bắt tay vào chuẩn bị thực phẩm, nấu cơm phục vụ các đồng đạo hành hương. Gia đình luân phiên nấu từ 8-10 món cho ba bữa chay trong ngày.

12 người hàng xóm đồng đạo tự nguyện đến phục vụ bếp ăn của nhà bà Bị. Các tín đồ đạo Cao Đài từ phương xa hoặc các hộ gia đình khó khăn lân cận có thể ghé dùng bữa miễn phí. Gia đình bà Bị còn chuẩn bị cơm, nước sâm để khách mang về. Trung bình mỗi ngày, gia đình nấu khoảng 50 kg gạo, 20-30 kg rau củ, thực phẩm chay.

Dịp đại lễ năm nay, ngôi nhà rộng 150 m2 của bà Bị đón tiếp khoảng 50-60 người hành hương đến lưu trú hoặc dùng bữa. Tôn chỉ của đạo là lấy sự thương yêu làm nền tảng, lấy nhân nghĩa làm phương châm hành đạo, lấy việc phụng sự chúng sinh làm hành động, lấy sự cứu rỗi các chơn linh (linh hồn, lương tâm) làm cứu cánh, phấn đấu xây dựng một xã hội đạo đức, an lạc bằng tinh thần thương yêu đồng đạo.

Bà Bị nói lĩnh hội được quan niệm này từ ba mình nhưng mãi đến bốn năm gần đây, kinh tế gia đình khá giả hơn bà mới có thời gian tập trung cho việc hành thiện.

Ba tháng trước, gia đình xây dựng thêm căn phòng rộng 50 m2, sức chứa 25-30 người, để chuẩn bị đón tiếp các đồng đạo từ An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long đến nghỉ qua đêm.

17h, con gái đầu bà Bị khuân những túi quần áo cũ để sẵn ở sảnh, chuẩn bị cho hai chuyến xe lên Đắk Nông giúp đỡ bà con vùng cao khó khăn.

Bà Bị nói, trong những ngày chuẩn bị cho đại lễ Hội yến Diêu trì cung, hơn 2/3 thời gian trong ngày dành cho các hoạt động thiện nguyện, còn lại là cầu nguyện và cúng tứ thời.

18h, bà Bị cùng bạn đồng đạo chuẩn bị đĩa cúng tứ thời đơn giản gồm trà, rượu trắng hoặc nước lọc. Tuỳ theo thời điểm trong ngày, vật phẩm này sẽ thay đổi. Thời gian cúng từ 30-45 phút, tâm trí tập trung vào thiên nhãn, Đức Chí Tôn và Đức Diêu Trì Kim Mẫu.

Bà Bị nói thường cầu nguyện sức khoẻ, bình an cho mọi người, vạn sự hanh thông.

18h30, cả gia đình bà di chuyển đến Toà thánh Cao Đài Tây Ninh (cách nhà 4 km) để tham dự Hội yến Diêu Trì Cung, đại lễ thu hút 200.000 tín đồ từ khắp nơi. Bà Bị nói đây là truyền thống quan trọng của gia đình theo đạo Cao Đài, tề tựu đầy đủ con cháu để cùng nhau hành lễ, nghe kinh và thể hiện sự trọng đạo của mình.

Tòa thánh Tây Ninh là công trình tôn giáo lớn nhất của đạo Cao Đài, tọa lạc tại thị xã Hòa Thành, cách TP Tây Ninh khoảng 4 km. Khuôn viên tòa thánh rộng hơn một km2 với những con đường thênh thang liên kết các kiến trúc với nhau.

Tòa thánh được coi là tổ đình - cơ sở thờ tự cấp trung ương của đạo Cao Đài. Công trình khởi công năm 1933, hoàn thành năm 1947 nhưng đến năm 1955 mới khánh thành. Công trình có diện tích hơn 2.000 m2, nổi bật với hai lầu chuông và trống cao 25 m.

Ngọc Ngân