Radovan Karadzic. Ảnh: BBC. |
Karadzic sinh năm 1945 ở Montenegro thuộc Nam Tư trước đây. Năm 1960, ông chuyển tới Sarajevo, nay là thủ đô của Bosnia & Herzegovina. Ông tốt nghiệp trường y và trở thành bác sĩ tâm lý trong một bệnh viện của thành phố.
Thời trẻ Karadzic cũng sáng tác thơ và chịu ảnh hưởng nhiều từ cây viết nổi tiếng người Serbia là Dobrica Cosic. Chính người này đã hướng ông đi theo con đường chính trị.
Karadzic làm việc cho Đảng Xanh trong một thời gian ngắn, sau đó tham gia thành lập đảng Dân chủ Serbia (SDS) năm 1990, nhằm đối phó với sự gia tăng ảnh hưởng của các đảng người Croatia ở Bosnia. Chưa đầy hai năm sau, khi Bosnia & Herzegovina được thừa nhận là một quốc gia độc lập khỏi Nam Tư, Karadzic cũng tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Serbia của Bosnia & Herzegovina (về sau đổi tên thành Cộng hòa Srpska) lấy thủ đô là Sarajevo và tự xưng làm tổng thống.
Karadzic cùng tướng Ratko Mladic, chỉ huy quân đội người Serbia ở Bosnia dưới quyền, bị truy tố phạm các tội ác chiến tranh trong cuộc xung đột sắc tộc tại Bosnia (1992-1995). Ông buộc phải từ chức chủ tịch đảng SDS năm 1996, sau khi phương Tây đe dọa cấm vận nước Cộng hòa Srpska và lẩn trốn kể từ đó.
Tòa án quốc tế về tội phạm chiến tranh của Liên Hợp Quốc ở Hague đã buộc tội Karadzic cầm đầu các cuộc thảm sát hàng nghìn người Hồi giáo ở Bosnia và Croatia, trong đó đẫm máu nhất là vụ giết hại 7.500 nam giới theo Hồi giáo ở Srebrenica, tháng 7/1995. Đây được cho là một phần chiến dịch "khủng bố và hủy hoại cộng đồng người Hồi giáo Bosnia và người Croatia".
Bên cạnh đó, Radovan Karadzic còn bị buộc tội đã cho quân đội pháo kích đẫm máu thành phố Sarajevo và dùng 284 lính gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc làm lá chắn sống, trong hai tháng 5 và tháng 6/1995.
Sau hiệp ước Dayton giúp chấm dứt cuộc chiến tại Bosnia, Karadzic bị tình nghi ẩn nấp ở vùng miền núi đông nam Bosnia trong khu vực do người Serb kiểm soát. Sức ép quốc tế về việc bắt giữ Karadzic lên cao vào đầu năm 2005, khi một vài cựu tướng dưới quyền ông này ra hàng.
Karadzic bác bỏ tất cả các cáo buộc chống lại mình và không thừa nhận tính hợp pháp của tòa án tội phạm chiến tranh do Liên Hợp Quốc tổ chức. "Nếu tòa án ở Hague là một cơ quan pháp lý thực thụ thì tôi sẵn sàng ra tòa, nhưng đây là một tổ chức chính trị, được dựng lên để đổ tội cho người Serb", ông tuyên bố hồi tháng 2/1996.
Mai Trang (theo BBC)