![]() |
Radovan Karadzic chụp năm 1992 (trái) và khi ngụy trang để lẩn trốn. Ảnh: AP. |
Trong hơn 10 năm lẩn trốn sự tróc nã, cựu thủ lĩnh người Serbia Karadzic đã nuôi bộ râu trắng rất rậm và dài, đồng thời lấy tên giả là Dragan Dabic để giao thiệp.
Nghi phạm 63 tuổi đã sử dụng rất hiệu quả các loại giấy tờ giả mạo về nhân thân và không gây ra bất cứ sự nghi ngờ nào. Ông thậm chí còn không ít lần thực hiện các bài thuyết trình trước đám đông và là một cộng tác viên thường xuyên cho các tạp chí về sức khỏe ở Serbia.
Vỏ bọc hoàn hảo
Bộ trưởng chuyên phụ trách quan hệ với tòa án tội phạm chiến tranh quốc tế của Serbia là Rasim Ljajic cho biết: "Karadzic đã hành nghề trong lĩnh vực nghiên cứu về các hình thức trị liệu khác ngoài thuốc men và làm việc cho một phòng khám tư".
Trong khi đó, luật sư của Karadzic nói rằng thân chủ sống tại Belgrade một thời giai khá dài, trong khi những người liên hệ với ông không hề biết thân phận thật. Cũng theo nguồn tin này, Karadzic không có bất cứ sự bảo vệ an ninh hay hỗ trợ nào và tự mình đảm đương cuộc sống ở khu Belgrade mới, vùng ngoại ô hiện đại nơi tập trung các khối nhà cao tầng.
Với vỏ bọc là một chuyên gia khai thác năng lượng bản thân con người để trị liệu, Karadzic tỏ ra rất tự tin vào khả năng che mắt người khác của mình. Ông thậm chí còn tự tạo lập website riêng và thoải mái trao đổi danh thiếp trong các buổi thuyết trình về vấn đề phương pháp trị liệu bổ sung.
Danh thiếp của ông ghi tên là D D David (D D là chữ viết tắt của tên giả Dragan Dabic) và nghề nghiệp là chuyên gia khai phá tinh thần con người. Nội dung các cuộc thuyết trình của Karadzic thường xoay quanh sự suy ngẫm và những kỹ năng thiền do các tu sĩ dòng Chính thống giáo thực hiện.
Mới đây nhất vào tháng 5 vừa qua, Karadzic đã thuyết trình tại thủ đô Belgrade và thành phố Smederevo ở phía đông Serbia. Trong một bài nói chuyện, nghi phạm đang lẩn trốn này được giới thiệu là một "nhà nghiên cứu trong các lĩnh vực tâm lý và năng lượng sinh học".
Ông Goran Kojic, một biên tập viên của tạp chí Healthy Life tại Belgrade, người phụ trách xử lý các bài vở do "cộng tác viên" đắc lực Karadzic gửi đến, đã dành những nhận xét rất thân thiện về người mà ông không ngờ chính là một nghi phạm gây tội ác chiến tranh đang bị tróc nã.
"Như tôi biết thì đó là một người mà ai cũng muốn kết bạn. Ông ấy rất có học thức, độ lượng, lạc quan, thông tuệ và có khiếu hài hước", Kojic nhận xét. Biên tập viên này cho biết thêm gia đình ông cũng có người thiệt mạng trong vụ bao vây đẫm máu Sarajevo trước đây, sự kiện bị cáo buộc do quân đội của Karadzic gây ra.
![]() |
Radovan Karadzic đang tham gia một buổi thuyết trình với vỏ bọc là chuyên gia trị liệu bổ sung. Ảnh: Reuters. |
Đi lại tự do
Chủ đề trong các cuộc nói chuyện giữa Karadzic và biên tập viên Kojic chỉ giới hạn về lĩnh vực sức khỏe mà không bao giờ đề cập đến chính trị. Bản thân nghi phạm lẩn trốn này cũng không nói giọng gốc Bosnia của mình để tránh bị lộ. ""Ông ấy đi lại tự do khắp trung tâm Belgrade và không ai hay biết sự thật ông ta là ai. Tôi có cảm giác là người đàn ông này không e sợ bất cứ điều gì cả", Kojic nhận xét thêm.
Công tố viên về tội phạm chiến tranh của Serbia Vladimir Vukcevic cũng có chung ý kiến về việc, Karadzic dù bị săn lùng gắt gao vẫn "đi lại khắp thành phố một cách hoàn toàn tự do, thậm chí xuất hiện nhiều tại các nơi công cộng". "Người cho ông ta thuê căn hộ cũng không biết chân tướng thực của Karadzic", công tố viên Vukcevic kể.
Radovan Karadzic là người đã tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Serbia của Bosnia & Herzegovina (về sau đổi tên thành Cộng hòa Srpska) năm 1992 và tự xưng làm tổng thống. Tòa án quốc tế về tội phạm chiến tranh của Liên Hợp Quốc cáo buộc ông phạm các tội ác chiến tranh trong cuộc xung đột sắc tộc tại Bosnia (1992-1995). Trong đó đẫm máu nhất là vụ giết hại 7.500 nam giới theo Hồi giáo ở Srebrenica, tháng 7/1995.
Karadzic còn bị buộc tội đã cho quân đội pháo kích đẫm máu vào thành phố Sarajevo và dùng 284 lính gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc làm lá chắn sống, trong hai tháng 5 và tháng 6/1995. Ông này lẩn trốn từ sau hiệp ước Dayton giúp chấm dứt cuộc chiến tại Bosnia năm 1996. Sức ép quốc tế về việc bắt giữ Karadzic lên cao vào đầu năm 2005, khi một vài cựu tướng dưới quyền ông này ra đầu thú.
Đình Chính (theo BBC)