Khu đất sân vận động Chi Lăng nằm ở vị trí đắc địa giữa trung tâm thành phố Đà Nẵng với 4 mặt tiền đường. Hồi năm 2008-2010, TP Đà Nẵng có chủ chương di dời sân vận động, đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư thực hiện dự án khu phức hợp cao tầng tại vị trí này nhằm tạo nguồn lực kinh tế phát triển thành phố.
Chính quyền thành phố ra thông báo kêu gọi đầu tư dự án với giá trúng thầu là 1.393 tỷ đồng, kèm chính sách nhà đầu tư nào nộp tiền trong vòng 60 ngày sẽ được giảm 10%.
Tập đoàn Thiên Thanh (ông Phạm Công Danh làm Tổng giám đốc) là đơn vị duy nhất đăng ký đầu tư và trúng thầu dự án. Do thanh toán tiền một lần ngay sau khi trúng thầu, tập đoàn này được giảm 139 tỷ đồng, chi trả 1.254 tỷ đồng.
Theo thỏa thuận, sau khi nộp tiền, TP Đà Nẵng sẽ bàn giao mặt bằng trong vòng 18 tháng. Khu đất này đã được UBND TP Đà Nẵng phân thành 14 lô, cấp 10 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các công ty con thuộc Tập đoàn Thiên Thanh.
Tuy nhiên, Đà Nẵng gặp khó khăn trong việc đền bù giải phóng mặt bằng nên đến nay mới bàn giao cho Tập đoàn Thiên Thanh khoảng 4,7% tổng diện tích. Hiện, còn 29 hộ dân chưa thể thỏa thuận để giải phóng mặt bằng.
Năm 2012, Bộ Xây dựng có công văn đồng ý cho Tập đoàn Thiên Thanh phát triển Dự án sân vận động Chi Lăng thành khu phức hợp thương mại cao tầng. Cũng trong năm đó, ông Danh mua lại Ngân hàng Đại Tín - TrustBank của bà Hứa Thị Phấn và được chấp thuận chủ trương tái cơ cấu ngân hàng này, đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng Việt Nam – VNCB.
Để có tiền tái cơ cấu, thanh khoản cho ngân hàng, ông Danh đã dùng khu đất sân vận động Chi Lăng thế chấp cho VNCB và Agribank để các công ty con của Tập đoàn Thiên Thanh vay gần 4.000 tỷ đồng. Do bị "sa lầy" trong quá trình tái cơ cấu VNCB, ông Danh và nhiều lãnh đạo, cán bộ nhà băng thực hiện nhiều sai phạm.
Theo bản án có hiệu lực của TAND Cấp cao về đại án Phạm Công Danh giai đoạn một, khu đất này đang bị kê biên để thi hành khoản nợ gốc là 3.900 tỷ đồng. 10 giấy chứng nhận quyền sử dụng khu đất các ngân hàng đang nắm giữ.
Cơ quan thi hành án dân dự đã ban hành 15 quyết định, song không thể thi hành bản án này. Đại diện ông Danh và Tập đoàn Thiên Thanh đã làm việc với phía Ngân hàng CB (tiền thân là VNCB) và cơ quan thi hành án nhưng chưa thể chốt được số tiền lãi phải thi hành.
Chiều 9/7, ông Đoàn Thế Liêm (quyền Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh) cho biết, tập đoàn cùng các đối tác nước ngoài mong muốn được tiếp tục thực hiện Dự án khu phức hợp Chi Lăng theo quy hoạch ban đầu của TP Đà Nẵng. Tuy nhiên, việc thanh toán các khoản nợ để lấy lại dự án đang gặp nhiều vướng mắc do các bên chưa tìm được tiếng nói chung.
Theo luật sư Phan Trung Hoài (đại diện cho ông Phạm Công Danh), tập đoàn Thiên Thanh và ông Danh đang nghiêm túc thực hiện các bản án có hiệu lực của pháp luật để có pháp lý sạch tiến tới triển khai thực hiện dự án với sự đồng thuận của lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng, phù hợp với mục tiêu phát triển của thành phố.
Tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng ngày 7/7, các đại biểu cho biết, Đà Nẵng muốn hoàn lại tiền sử dụng đất và các khoản tài chính khác có liên quan mà Tập đoàn Thiên Thanh phải nộp để lấy lại sân vận động Chi Lăng, phục vụ cho các hoạt động văn hóa xã hội. Tuy nhiên, nhiều năm qua thành phố vẫn chưa đưa ra được hướng giải quyết cụ thể và chưa biết có lấy lại được hay không.
Về vấn đề này, luật sư Phan Trung Hoài cho biết, mong Đà Nẵng xem xét lại ý kiến thu hồi khu đất, bởi Tập đoàn Thiên Thanh đã trả một khoản tiền lớn vào thời điểm năm 2011. Việc thu hồi phải trên cơ sở giải quyết lợi ích của các bên, các vấn đề liên quan. Do đó, Thiên Thanh mong muốn Đà nẵng thỏa thuận cùng CB và Thiên Thanh trong việc gỡ rối pháp lý cho dự án này.
"Nếu có được sự phối hợp trao đổi trên nguyên tắc tôn trọng các bản án đã có hiệu lực pháp luật và sự cho phép của TP Đà Nẵng, thì dự án như kế hoạch ban đầu của thành phố sẽ đạt được", luật sư Hoài nói.
Cũng theo ông Hoài, số tiền ông Danh và Tập đoàn Thiên Thanh phải thi hành án trong giai đoạn một là hơn 3.900 tỷ đồng nợ gốc. Tuy nhiên, trong giai đoạn hai của vụ án, Tập đoàn Thiên Thanh được trả lại 4.500 tỷ đồng. Sau khi cấn trừ đi các quyền và nghĩa vụ thì CB phải trả lại cho ông Danh và Thiên Thanh là hơn 2.000 tỷ đồng. Các bên đã chốt được nợ gốc và hiện còn thỏa thuận phần lãi suất.
Đại diện của ông Danh cho rằng, việc thi hành án và trả các khoản nợ theo bản án có hiệu lực là "trong tầm tay" nếu các bên khơi thông được với nhau.
Trong giai đoạn một của đại án, ông Phạm Công Danh bị tuyên phạt mức án 30 năm tù về các tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Ông và đồng phạm bị buộc phải trả lại số tiền thiệt hại 9.000 tỷ đồng.
Ở giai đoạn hai, ông Danh bị cáo buộc trong quá trình tái cơ cấu VNCB đã chỉ đạo đồng phạm rút trái phép tiền của nhà băng, bảo lãnh cho 29 lượt pháp nhân (là các công ty do ông thành lập, hoặc mượn) để làm hồ sơ vay khống ngân hàng Sacombank, BIDV, TPBank, gây thiệt hại cho VNCB hơn 6.100 tỷ đồng.
Hải Duyên