![]() |
Công trình Trung tâm thương mại Tràng Tiền đã dở dang từ nhiều năm nay. |
UBND thành phố đã chỉ đạo, Hanoi - Plaza là công trình trọng điểm của Hà Nội, là loại hình công trình dịch vụ đa dạng và có tần số sử dụng lớn phải được xây dựng với chất lượng tốt nhất, hệ thống điện, thang máy, thang cuốn không chỉ đáp ứng về thẩm mỹ mà còn có chất lượng cao. Vì thế, trong hồ sơ mời thầu gói thầu số 6 đã ghi rõ: "Xuất xứ thiết bị hàng hóa phải của châu Âu, Nhật Bản, Bắc Mỹ cho tất cả các bộ phận".
Sau khi phải hủy bỏ kết quả này lần đầu vì tất cả 4 nhà thầu đều vi phạm những điều kiện tiên quyết được nêu trong Nghị định 88/CP của Chính phủ về đấu thầu, ngày 25/6, Công ty TNHH Thương mại Tràng Tiền. (chủ đầu tư) đã mở gói thầu số 6 lần thứ 2 (bao gồm 8 thang máy và 2 thang cuốn) với sự tham gia của 3 nhà thầu là: Công ty TNHH Thang máy Thiên Nam, Công ty liên doanh Thang máy SGE-Schindler và Công ty liên doanh Thang máy OTIS-LILAMA.
Kết quả đấu thầu gói thầu số 6 của chủ đầu tư được thể hiện trong Công văn số 236, gửi ông Chủ tịch hội đồng sáng lập viên Công ty Đầu tư thương mại Tràng Tiền, Trịnh Hoàng Duy, nêu rõ: "Công ty Thang máy Thiên Nam đã bị loại do chào thầu cung cấp thang máy được sản xuất tại nhà máy của LG (Hàn Quốc). Hai nhà thầu còn lại là Công ty liên doanh Thang máy SGE-Schindler với giá chào thầu là 7,822 tỷ đồng, thời gian thực hiện là 24 tuần và Công ty liên doanh Thang máy OTIS-LILAMA với giá chào thầu là 8,2 tỷ đồng, thời gian thực hiện là 36 tuần".
Theo kết luận của chủ đầu tư, hồ sơ dự thầu của Công ty OTIS-LILAMA không đáp ứng được yêu cầu tiến độ (quá 12 tuần so với hồ sơ) đã bị loại. Công ty SGE-Schindler được xếp thứ nhất, có giá trị dự thầu sau khi hiệu chỉnh và sửa lỗi là 7,822 tỷ đồng.
Tại cuộc họp ngày 4/7, chủ đầu tư đã công khai thông báo ý kiến xét thầu của công ty tư vấn cho các nhà thầu và kết luận: các nhà thầu đều có vi phạm nhưng đề nghị các cấp thẩm quyền xem xét lựa chọn ra nhà thầu có ít vi phạm nhất. Theo đánh giá của tư vấn xét thầu thì nhà thầu SGE-Schindler có sai sót nhỏ về xuất xứ thiết bị, song thời gian quá gấp nên không thể tổ chức đấu thầu lại. Cuối cùng các nhà thầu đều ký vào biên bản họp và nhà thầu SGE-Schindler được vào tiếp vòng 2.
Song thật bất ngờ, ngay sau đó, ngày 11/7, ông Trịnh Hoàng Duy lại gửi một công văn lên Công ty Đầu tư Thương mại Tràng Tiền và các nhà thầu, quyết định cho mở rộng xuất xứ thiết bị từ tất cả các nước trên thế giới. Ngạc nhiên hơn, ông Duy lại chỉ đạo Ban giám đốc Công ty Đầu tư thương mại Tràng Tiền yêu cầu tư vấn đánh giá lại hồ sơ dự thầu của gói thầu này nhưng chỉ cần tập trung xem xét lại hai nhà thầu là Công ty Thang máy Thiên Nam và SGE-Schindler, mặc nhiên loại Công ty liên doanh Thang máy OTIS-LILAMA
Cùng ngày, Ban giám đốc ĐTTM Tràng Tiền đã có công văn do ông Đặng Nghiêm Nghị ký nêu rõ: "Việc quyết định cho mở rộng xuất xứ hàng hóa thiết bị đối với gói thầu số 6 khi đã có báo cáo kết quả chấm thầu rồi, trên cơ sở đó yêu cầu tư vấn đánh giá lại các hồ sơ dự thầu của các nhà thầu tham gia gói thầu này là vi phạm quy chế đấu thầu và không đảm bảo tính công bằng giữa các nhà thầu".
Vì khi họp quyết định tổ chức đấu thầu lại gói thầu số 6, toàn bộ Ban lãnh đạo đã thống nhất đây là công trình quan trọng nên thiết bị thang máy phải có kỹ thuật cao. Ông Nghị cũng nhấn mạnh: "Sau khi nhận được thư mời thầu lần thứ 2, các nhà thầu đều đã có công văn gửi chủ đầu tư cam kết thực hiện đúng yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Trong quá trình chuẩn bị hồ sơ dự thầu, không có nhà thầu nào hỏi hoặc yêu cầu cho mở rộng xuất xứ hàng hóa thiết bị. Vì thế, những hồ sơ thầu không đáp ứng được yêu cầu này bị loại là đúng luật".
Ông Nghị kiến nghị, việc mở rộng xuất xứ này phải được thông báo lại cho các nhà thầu để các nhà thầu làm lại hồ sơ dự thầu nhất là giá chào thầu vì nếu xuất xứ khác nhau giá hàng hóa sẽ chênh lệch rất lớn. Nếu không thực hiện, Ban giám đốc xin được phép không chịu trách nhiệm về những hậu quả của việc quyết định mở rộng xuất xứ để đánh giá lại hồ sơ dự thầu của gói thầu này.
Vấn đề đặt ra là vì sao hồ sơ mời thầu quy định rất rõ xuất xứ hàng hóa thiết bị để đảm bảo chất lượng cho công trình này lại được ông Chủ tịch hội đồng sáng lập Công ty Đầu tư Thương mại Tràng Tiền Trịnh Hoàng Duy thay đổi và vì sao việc mở rộng xuất xứ hàng hóa thiết bị lại được đưa ra sau khi đã mở thầu lần 2. Phải chăng việc mở rộng xuất xứ hàng hóa thiết bị là để nhấc rào chắn cho Công ty TNHH Thiên Nam - nhà thầu chỉ có xuất xứ hàng hóa thiết bị từ Hàn Quốc lọt vào vòng cuối cùng? Và điều quan trọng nữa là với quyết định trên, có phải ông Duy đã phủ nhận hoàn toàn kết quả chấm thầu của công ty tư vấn?
Lao Động