Văn phòng Chính phủ ngày 28/3 thông báo chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Minh Khái về việc xử lý sau thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam.
Phó thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ kiểm tra ngay việc thực hiện kết luận thanh tra và chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ. Trên cơ sở kết quả kiểm tra và quy định pháp luật về cổ phần hóa, Thanh tra Chính phủ kiến nghị biện pháp xử lý khả thi để giải quyết dứt điểm việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, báo cáo Thủ tướng trước 25/4.
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch được giao thực hiện kết luận thanh tra và các chỉ đạo; có phương án sắp xếp Hãng phim truyện Việt Nam phù hợp với tình hình và luật pháp hiện hành, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị và giữ gìn, phát huy truyền thống của hãng.
Phó thủ tướng yêu cầu UBND TP Hà Nội, TP HCM quản lý các cơ sở nhà đất đã được thu hồi theo kết luận thanh tra từ năm 2018 tại số 4 Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội) và số 6 Thái Văn Lung (quận 1, TP HCM); xử lý dứt điểm các vấn đề liên quan.
Tại lễ kỷ niệm 70 năm điện ảnh cách mạng Việt Nam hôm 15/3, nghệ sĩ Trà Giang nói đau lòng khi xưởng phim truyện từng có 600 nghệ sĩ, nhân viên, làm hàng chục phim mỗi năm giờ đổ nát, hoang tàn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính sau đó giao Phó thủ tướng Lê Minh Khái triệu tập cuộc họp với các bộ ngành tìm giải pháp, xây dựng phương án xử lý tình trạng đổ nát của trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam.
Hãng phim truyện Việt Nam được thành lập năm 1953, trực thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du Lịch. Lịch sử tồn tại của hãng gắn liền với dòng phim cách mạng và nghệ thuật, với các tác phẩm như Chung một dòng sông, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Chị Tư Hậu, Em bé Hà Nội.
Giữa năm 2017, Công ty Vận tải thủy Vivaso hoàn tất quá trình mua lại Hãng phim truyện Việt Nam. Ba tháng sau, nghệ sĩ và ban lãnh đạo hãng nhiều lần đối thoại gay gắt do chậm lương, không có định hướng làm phim.
Tháng 9/2018, Thanh tra Chính phủ kết luận việc cổ phần hóa có nhiều sai phạm, trong đó có việc cho thuê văn phòng, thuê đất trái thẩm quyền, vi phạm quản lý tài sản, kinh doanh lỗ liên tiếp.
Sau thanh tra, Công ty Vận tải thủy Vivaso (đơn vị giữ 65% cổ phần hãng phim) xin thoái vốn. Tuy nhiên, sau bốn năm, quá trình này chưa hoàn tất khiến nghệ sĩ của hãng từng căng băng rôn chất vấn việc bị cắt lương, bảo hiểm. Mâu thuẫn giữa cán bộ, nhân viên hãng phim và chủ đầu tư tăng cao nên Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phải cử thanh tra hòa giải.
Tuy nhiên, đến nay Công ty Vận tải thủy Vivaso vẫn chưa rút khỏi hãng. Cuối năm ngoái, các nghệ sĩ kêu cứu vì 300 phim nhựa hỏng nặng do bảo quản kém.