Sau cuộc họp tối 3/3, Bộ trưởng Thể đã yêu cầu Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tăng cường quản lý tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo nói chung, loại hình tàu SB (pha sông - biển) nói riêng. Cục cần thành lập đoàn thanh tra để kiểm tra toàn diện công tác quản lý nhà nước về cảng, bến thủy nội địa và hoạt động vận tải hành khách tại các địa phương.
Cụ thể, Cục phải rà soát toàn bộ vấn đề quản lý, cấp phép tàu rời cảng, bến; điều kiện hoạt động của doanh nghiệp, phương tiện, thuyền viên, bao gồm cả thiết bị AIS (nhận dạng phương tiện), áo phao, thiết bị cảnh báo và bảo đảm an toàn; các quy định về an toàn và thông tin cảnh báo điều kiện thời tiết... Sau rà soát, Cục tham mưu cho Bộ hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan.
Vụ Khoa học công nghệ được giao chủ trì, phối hợp Cục Đăng kiểm Việt Nam nghiên cứu, rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn đảm bảo an toàn đối với tàu khách cao tốc SB phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện khai thác tại Việt Nam, nhằm nâng cao khả năng thoát hiểm của hành khách khi sự cố; đồng thời rà soát tốc độ tối đa cho phép khi tàu chạy trên luồng đường thủy nội địa và hàng hải.
Vụ An toàn giao thông được giao nghiên cứu và tham mưu về các trang thiết bị cứu sinh cho hành khách phù hợp với loại tàu, kiểu tàu chở khách và tuyến hành trình; bổ sung chương trình đào tạo, sát hạch và cấp chứng chỉ chuyên môn cho người điều khiển tàu, đặc biệt đối với tàu cao tốc.
Khoảng 14h ngày 26/2, tàu cao tốc Phương Đông 05 chở 39 người (gồm 36 khách du lịch đến từ Hà Nội, TP HCM, Bình Dương, 1 lái tàu, 2 phục vụ) từ đảo Cù Lao Chàm vào cảng Cửa Đại. Cách bờ khoảng 3 km, tàu cao tốc lật làm 17 người chết, còn lại được cứu sống.
Tai nạn đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập trong công tác quản lý hoạt động tàu cao tốc như cấp phép, thiết kế, tốc độ của tàu.