Thành phố cũng đề nghị Bộ Tư pháp và Bộ Công an chỉ đạo cung cấp thông tin về các tài sản liên quan đến các vụ án Hà Văn Thắm, Hứa Thị Phấn, Phạm Công Danh, Trần Phương Bình, Phan Sào Nam, Đinh La Thăng, Giang Kim Đạt, Huỳnh Thị Huyền Như...
Động thái này được TP HCM đưa ra ngày 19/2, sau khi Bộ Tư pháp có văn bản đề nghị các tỉnh thành kiểm tra và cung cấp thông tin về tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của tổ chức, cá nhân phải thi hành án nhưng chưa bị tạm giữ, kê biên... đồng thời dừng thực hiện các giao dịch liên quan. Việc này nhằm giúp các cơ quan thi hành án dân sự thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế...
Theo Bộ Tư pháp, thời gian qua các cơ quan thi hành án dân sự đã tích cực phối hợp với các nơi để thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án nhưng tỷ lệ còn thấp. Nguyên nhân là tài sản của người phải thi hành án có thể được đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ở nhiều địa phương. Ví dụ ôtô, xe máy được đăng ký tại công an, quyền sử dụng đất được đăng ký tại cơ quan thuộc sở Tài nguyên - Môi trường... chưa được xác minh, làm rõ trong quá trình tố tụng và thi hành án.
Trong vụ án ông Đinh La Thăng cố ý làm trái khi đầu tư vào OceanBank, số tiền cần thu hồi theo bản án là trên 800 tỷ đồng, riêng ông Thăng là 600 tỷ. Tuy nhiên, theo thông báo của ông Lê Xuân Hồng (Cục trưởng Thi hành án Hà Nội), ông Thăng "chỉ còn một căn hộ chung cư và là sở hữu chung của vợ chồng" nên chỉ thu được một phần căn hộ.
Gia đình ông Thăng sống tại chung cư khu đô thị Sudico, phường Mỹ Đình, Nam Từ Liêm. Khai trước HĐXX phiên phúc thẩm hôm 26/6/2018, ông Thăng nói: "Nhà tôi chỉ có một căn hộ chung cư, bán cũng chỉ khắc phục được phần nhỏ. Nếu tòa xử đúng phần trách nhiệm của tôi thì tôi cùng gia đình cố gắng khắc phục".
Trung Sơn