Ông Trần Phương Bình (nguyên Chủ tịch HĐTD, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á - DongABank) và 11 đồng phạm sắp bị TAND TP HCM xét xử về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng và Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Các bị cáo được xác định gây thiệt hại cho DAB hơn 9.640 tỷ đồng (giai đoạn hai của vụ án gây tổng thiệt hại hơn 13.000 tỷ), trong đó thiệt hại lớn nhất do ông Bình "sa lầy" vào việc đầu tư loạt dự án bất động sản ở trung tâm Sài Gòn.
Cáo trạng của VKSND Tối cao xác định, năm 2007, ông Bình được chuyên gia tài chính Việt kiều Mỹ giới thiệu gặp Phùng Ngọc Khánh (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP M&C). Biết Khánh đang đầu tư dự án Sài Gòn M&C (Sài Gòn One Tower, 34 Tôn Đức Thắng, đang bị bỏ hoang) và có nhu cầu về vốn nên cả hai bàn bạc hợp tác tài chính.
Theo giới thiệu của Khánh và chuyên gia tài chính, Sài Gòn One Tower là dự án có vị trí đẹp, giá trị cao, đã hoàn tất thủ tục pháp lý sẵn sàng để xây dựng. Cao ốc có vị trí "vàng" tại góc đường Hàm Nghi – Tôn Đức Thắng – Võ Văn Kiệt (quận 1), đối diện bến Bạch Đằng, tổng vốn đầu tư 256 triệu USD (hơn 5.000 tỷ đồng) và được kỳ vọng là một trong những kiến trúc đẹp nhất TP HCM.
Ông Bình đánh giá đây là dự án có vị trí chiến lược, DAB có thể thuê hoặc mua một phần để làm trụ sở, thuận tiện cho việc giao dịch kinh doanh, nên đồng ý tài trợ tiền và đề nghị Khánh cho DAB cùng cá nhân ông Bình mua 5% cổ phần Công ty CP Địa ốc Sài Gòn M&C (công ty con, thực hiện dự án cao ốc).
DAB sau đó tài trợ vốn bằng hình thức cho Công ty CP Địa ốc Sài Gòn M&C vay 679 tỷ đồng vốn dài hạn. Tài sản đảm bảo là tài sản hình thành từ vốn vay, một phần của dự án. Đồng thời, ông Bình cho một số cá nhân là nhân viên của Khánh đứng tên vay vốn để hợp tác đầu tư với Công ty CP M&C (công ty mẹ) thực hiện dự án với mục đích có thêm cơ hội mua sản phẩm khi cao ốc hoàn thiện. Việc này dẫn tới dư nợ của nhóm khách hàng M&C (gồm nhiều cá nhân và pháp nhân) tại DAB ngày càng lớn, mối quan hệ tài chính giữa ông Bình với họ không thể tách rời.
Ngoài ra, năm 2011, Công ty CP M&C còn ký hợp đồng với Công ty TNHH Một thành viên Ba Son để đầu tư làm dự án Trung tâm phức hợp Sài Gòn - Ba Son (số 2 Tôn Đức Thắng, quận 1). Hai bên thỏa thuận Công ty CP M&C đặt cọc 500 tỷ đồng, song Phùng Ngọc Khánh đề nghị DAB rót vốn. Ông Bình đồng ý với điều kiện DAB sẽ tham gia khai thác dự án sau này, đồng thời nhận tài sản thế chấp là dự án hình thành trong tương lai.
Theo chỉ đạo của ông Bình, DAB giải ngân cho 4 công ty thuộc nhóm M&C vay 1.520 tỷ đồng. Tuy nhiên, thỏa thuận thế chấp tài sản trên tại DAB không có Công ty Ba Son trong khi đây là đơn vị sở hữu quyền sử dụng đất tại số 2 Tôn Đức Thắng và là chủ đầu tư dự án. "Việc ngân hàng nhận thế chấp tài sản đảm bảo như vậy là trái quy định pháp luật vì chưa công chứng và đăng ký giao dịch đảm bảo", cơ quan điều tra nhận định.
Số tiền được giải ngân, Khánh không sử dụng đúng mục đích mà dùng để đảo nợ cho nhiều khoản vay và trả cho những cổ đông rút vốn khỏi các dự án chậm tiến độ của Công ty CP M&C. Do Khánh không thực hiện nghĩa vụ tài chính theo thỏa thuận hợp tác, Công ty Ba Son sau đó thanh lý hợp đồng. Việc này khiến hợp đồng hợp tác giữa Công ty CP M&C và DAB chỉ là lập khống để hợp thức hóa hồ sơ vay.
Nhà chức trách xác định, Phùng Ngọc Khánh và ông Bình còn bàn bạc, thống nhất thủ thuật vay đảo nợ; phù phép nhiều hồ sơ vay vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư khống với nhiều tài sản là dự án bất động sản ở TPHCM.
Tổng cộng từ năm 2007 đến 2013, Khánh đã sử dụng pháp nhân 11 công ty thuộc nhóm khách hàng M&C và 10 cá nhân (là người quen, nhân viên dưới quyền của Khánh) vay hơn 7.100 tỷ đồng.
Khoản vay của 10 cá nhân sau đó đã được tất toán. Khoản vay của Công ty CP địa ốc Sài Gòn M&C có tài sản bảo đảm đủ trả nợ. Còn 9 khoản vay của các công ty với dư nợ hơn 8.000 tỷ đồng không có khả năng chi trả. Hiện, cơ quan điều tra đủ căn cứ xác định DAB mất vốn đối với khoản vay của 4 công ty với tổng dư nợ hơn 3.949 tỷ đồng. Còn khoản vay của 5 công ty với dư nợ hơn 4.000 tỷ phải chờ kết quả định giá mới có căn cứ đánh giá hậu quả thiệt hại.
Trong phạm vi giai đoạn hai của vụ án xảy ra tại DAB, ông Bình và các thuộc cấp còn bị cáo buộc thực hiện hàng loạt sai phạm trong việc cho nhóm khách hàng thuộc Công ty TNHH Hiệp Phú Gia, Công ty TNHH Đồng Tiến, Công ty TNHH Tân Vạn Hưng vay và gây thiệt hại lần lượt hơn 3.326 tỷ đồng; 393 tỷ đồng và 1.010 tỷ đồng.
Ngoài ra, ông Bình còn chỉ đạo xuất quỹ sai nguyên tắc, chiếm đoạt 75 tỷ đồng của DAB để trả nợ các khoản vay và sử dụng cá nhân; chỉ đạo cấp dưới cho nhiều tổ chức, cá nhân vay, xuất quỹ sai nguyên tắc để mua tài sản của nhóm Công ty CP Vốn Thái Thịnh - TTC, sau đó lập chứng từ thu khống 1.349 tỷ đồng, gây thiệt hại 886 tỷ đồng.
Trong giai đoạn một của vụ án, ông Bình cùng Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "Nhôm") và 24 đồng phạm chiếm đoạt, gây thiệt hại cho DAB hơn 3.600 tỷ đồng. Cuối năm 2018, ông Bình bị TAND TP HCM tuyên án chung thân về các tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Bản án này được TAND Tối cao giữ nguyên sau phiên phúc thẩm.
Cơ quan điều tra xác định, những hành vi sai phạm nghiêm trọng của ông Bình và thuộc cấp là nguyên nhân chính khiến DAB lỗ lũy kế hơn 31.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm hơn 25.000 tỷ và tổng tài sản thực chỉ còn hơn 47.000 tỷ.
Hải Duyên