Bộ Giao thông Vận tải đề nghị UBND các tỉnh thành tổng rà soát, kiểm tra hiện trường và xử lý ngay theo thẩm quyền các bất cập của hệ thống đường bộ do địa phương quản lý. Kết quả rà soát báo cáo về Bộ trước ngày 10/3.
Cục Đường bộ Việt Nam được giao kiểm tra hiện trường, xử lý các tồn tại về biển báo, đèn tín hiệu, điểm dừng, trông giữ xe trên hệ thống quốc lộ và tuyến cao tốc mà cơ quan này quản lý, báo cáo về Bộ trước ngày 13/3.
Tuần trước, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, cùng với Bộ Công an, các tỉnh thành giải quyết những bất cập trong hệ thống biển báo, đèn tín hiệu, cấp phép điểm dừng, đỗ gây xung đột giao thông.

Ùn tắc tại Ngã Tư Sở, Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành
Thời gian qua, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ đã nhận được phản ánh từ người dân về tình trạng đèn tín hiệu chuyển màu bất thường, hết thời gian đếm giờ nhưng đèn không chuyển màu dẫn đến việc vô tình vi phạm giao thông.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông (Cục Cảnh sát giao thông), cho biết lỗi kỹ thuật tại một số nút giao do sử dụng đèn tín hiệu thế hệ cũ, phải điều khiển thủ công. Điều này gây độ trễ khi chuyển đổi chu kỳ đèn giữa khung giờ cao điểm và thấp điểm.
Cục Cảnh sát giao thông đã yêu cầu công an địa phương phối hợp với cơ quan chức năng rà soát, sửa chữa đèn tín hiệu lỗi và đề xuất nâng cấp thiết bị đã cũ.
Theo Nghị định 168/2024 có hiệu lực từ năm 2025, mức phạt đối với hành vi không tuân thủ đèn tín hiệu giao thông là 4-6 triệu đồng đối với tài xế xe máy và 18-20 triệu đồng với người lái ôtô. Nhiều vi phạm khác tăng mức phạt 20-30 lần.