Các tác phẩm gồm: Tình yêu và thù hận, Hồng nhan đa truân, Nghĩa tình ràng buộc, Người của oán thù, Một thoáng mây bay, Hành trang vào đời. Loạt truyện từng đăng nhiều kỳ trên các báo trước năm 1975, nay mới được in thành sách.
Một thoáng mây bay xoay quanh nhân vật Tuyết - cô gái khước từ tình yêu vì từng chứng kiến chị gái cùng đồng nghiệp nữ bị lợi dụng, phản bội. Tình yêu và thù hận kể về Lệ Nhung - người giành giật tình yêu của kẻ khác vì một mối hận trong quá khứ. Người của oán thù phơi bày mặt trái của xã hội khi tiền bạc, vật chất cuốn trôi những ràng buộc lễ giáo, đạo đức. Nghĩa tình ràng buộc là câu chuyện về Huệ và Mộng Lan - cùng sinh ra và lớn lên dưới một mái nhà nhưng số phận khác nhau. Sau đó, biến cố vô tình đưa cuộc đời hai cô gái thay đổi theo những cách không ngờ.
Hồng nhan đa truân kể về Giáng Tuyết - cô gái xinh đẹp được một nam sinh trường thuốc theo đuổi. Bị gia đình chàng trai phản đối, họ vẫn đến với nhau nhưng tình cảm dần phai nhạt bởi những chật vật mưu sinh. Hôn nhân thất bại, cô lao vào chốn ăn chơi ở các quán bar Sài Gòn, từ đó gặp phải những biến cố khiến cô nhận ra đâu là chân tình, lừa lọc. Hành trang vào đời là câu chuyện về Tuyết - cô gái xinh đẹp, có học thức nhưng bị gia đình Tuấn - người yêu cô phản đối. Sau khi con họ ra đời, cô nỗ lực vượt nghịch cảnh, sống trong sạch, tự lập, dần được người thân Tuấn chấp nhận.
Bà Tùng Long tên thật là Lê Thị Bạch Vân, sinh ngày 1/8/1915 tại Đà Nẵng. Chồng bà là nhà báo Hồng Tiêu Nguyễn Đức Huy - chủ bút Nhật báo Sài Thành một thời. Khi viết văn, bà được chồng đặt bút hiệu "Tùng Long" mang hàm ý theo câu "Vân Tùng Long, Phong Tùng Hổ" (nghĩa là mây theo rồng, gió theo cọp). Sau đó, nữ tác giả thêm chữ "bà" tạo thành bút danh "Bà Tùng Long". Nữ tác giả từng cho biết bút danh nhằm để người đọc không hiểu lầm bà là đàn ông trong bối cảnh thời ấy hầu hết nhà văn, nhà báo đều là nam giới.
Bà từng có 68 tiểu thuyết và hơn 400 truyện ngắn được bạn đọc yêu thích. Nữ văn sĩ chuyên viết tiểu thuyết tình cảm, tâm lý bạn gái. Bà cũng là người đầu tiên nghĩ ra và phụ trách các mục Gỡ rối tơ lòng và Tâm tình cởi mở của báo Sài Gòn Mới, Tiếng Vang. Bà viết văn từ năm 1953 với truyện dài đầu tiên: Đứa con hoang (khi in sách là Ái tình và danh dự). Sáng tác của bà xoay quanh các mối quan hệ gia đình, thân phận phụ nữ..., được chuyển tải bằng văn phong giản dị. Thông điệp chung trong hầu hết tác phẩm là con người phải cố gắng sống tốt, đàn ông nên đối xử tốt với phụ nữ.
Tam Kỳ