Bà Tùng Long tên thật là Lê Thị Bạch Vân, sinh ngày 1/8/1915 tại Đà Nẵng. Chồng bà là nhà báo Hồng Tiêu Nguyễn Đức Huy - chủ bút Nhật báo Sài Thành một thời. Khi viết văn, bà được chồng đặt bút hiệu "Tùng Long" mang hàm ý theo câu "Vân Tùng Long, Phong Tùng Hổ" (nghĩa là mây theo rồng, gió theo cọp). Sau đó, nữ tác giả thêm chữ "bà" tạo thành bút danh "Bà Tùng Long". Nữ tác giả từng cho biết bút danh nhằm để người đọc không hiểu lầm bà là đàn ông trong bối cảnh thời ấy hầu hết nhà văn, nhà báo đều là nam giới.
Ba tác phẩm lần đầu được in sách của bà là Những ai gieo gió, Bên hồ thanh thủy và Một vụ án tình. Bảy cuốn còn lại, đều là những feuilleton (truyện nhiều kỳ) từng đăng trên báo, gồm: Bóng người xưa, Người xưa đã về, Một lần lầm lỡ, Duyên tình lạc bến, Đời con gái, Đường tơ đứt mối và Con đường một chiều.
Ở buổi ra mắt mười tác phẩm tại TP HCM (ngày 31/7), con trai cố tác giả - nhà văn Đông Thức - cho biết ông tình cờ tìm thấy những bản thảo tiểu thuyết của mẹ. Gia đình tổng hợp và cho xuất bản các tác phẩm kỷ niệm 104 năm ngày sinh của bà. "Tôi vui sướng khi độc giả vẫn nhớ, vẫn đọc những tác phẩm của mẹ tôi, dù bà không còn nữa" ông Đông Thức cho biết.
Dù được viết hơn 60 năm trước, ở xã hội vẫn nặng nếp phong kiến trọng nam khinh nữ, các câu chuyện tình trong tác phẩm của Bà Tùng Long không sướt mướt bi lụy mà mang nhiều hàm ý giáo dục, khơi gợi phụ nữ ý thức vươn lên trong cuộc sống, ca ngợi tình yêu đẹp. Phụ nữ luôn giữ vai trò chính trong sách của bà. Họ có nếp sống thanh cao, chịu thương chịu khó, tự chủ, biết mưu tìm hạnh phúc cho cá nhân, gia đình bất chấp ràng buộc lễ giáo lạc hậu.
Người phụ nữ ấy có thể là Thúy - một cô gái đẹp, dịu dàng nhưng bất hạnh, chưa từng ngừng đấu tranh để có được hạnh phúc trong Đường tơ đứt mối. Đó là Lệ Hằng - nhân vật chính trong Bóng người xưa - cô gái tài sắc vẹn toàn, yêu nước, trọng tình nghĩa. Là Yến, sinh viên có mối tình đẹp nhưng đầy sóng gió, bi thương trong Những ai gieo gió. Dù cuộc sống khó khăn, Yến vẫn lạc quan tiến về phía trước, luôn giữ niềm hy vọng trong tim.
"Tiểu thuyết của Bà Tùng Long có nhiều giá trị nhân văn, sống mãi với thời gian. Các tác phẩm đang được chọn lọc và xem xét để dự kiến chuyển thể thành phim", ông Nguyễn Minh Nhựt, giám đốc NXB Trẻ cho biết.
Bà Tùng Long từng có 68 tiểu thuyết và hơn 400 truyện ngắn được bạn đọc yêu thích. Nữ văn sĩ chuyên viết tiểu thuyết tình cảm, tâm lý bạn gái. Bà cũng là người đầu tiên nghĩ ra và phụ trách các mục Gỡ rối tơ lòng và Tâm tình cởi mở của báo Sài Gòn Mới, Tiếng Vang. Bà viết văn từ năm 1953 với truyện dài đầu tiên: Đứa con hoang (khi in sách là Ái tình và danh dự). Bà mất ngày 26/4/2006 tại TP HCM.
Năm 1961, nữ tác giả từng nói: "Tôi viết văn để nuôi con. Khi nào các con tôi đứa lớn trưởng thành dìu dắt được đàn em nhỏ, tôi sẽ nghỉ viết". Đúng như lời nói, bà gác bút năm 1972. Nhà văn Đông Thức cho biết: "Mẹ là người phụ nữ tài giỏi, đảm đang, hết mực yêu thương chồng con. Dù bận bịu với việc dạy học và viết sách, mẹ vẫn giành thời gian vun vén, chăm sóc gia đình. Có thời điểm mẹ viết một lúc năm feuilleton cho năm tờ nhật báo vì quá cần tiền lo cho chồng và chín đứa con. Nhưng mẹ chẳng bao giờ than vãn".
Thùy Linh