Văn học miền Nam lục tỉnh gồm ba tập: Miền Nam và văn học dân gian địa phương, Văn học Hán Nôm thời khai mở và xây dựng đất mới, Văn học Hán Nôm và văn học Quốc ngữ thời kháng Pháp và thuộc Pháp. Văn học miền Nam qua từng thời kỳ được diễn giải chi tiết, cho người đọc cái nhìn khái quát về tiến trình lịch sử, văn hóa. Tác giả Nguyễn Văn Hầu tổng hợp, đồng thời bổ sung nhiều thiếu sót của các thế hệ nghiên cứu đi trước.
Cuốn đầu tiên biên khảo về loại hình văn chương của thời kỳ mở cõi phương Nam. Ở giai đoạn này, con người phải chiến đấu với thiên nhiên, khai hoang mở đất "dưới sông sấu lội, trên bờ cọp um". Theo tác giả, những cư dân đầu tiên phải lo chống chọi thiên nhiên nên văn chương biểu thị cho đời sống tinh thần của họ chỉ là thể loại truyền khẩu, ca dao, tục ngữ, câu đố và hò vè.
>>> Trích sách "Miền Nam và văn học dân gian địa phương"
Vì xứ Nam Kỳ có sáu tỉnh, nên khi nói hay khi viết, nhiều người thường gọi chung là "lục tỉnh Nam Kỳ" hoặc "Nam Kỳ lục tỉnh", có người gọi tắt là "lục tỉnh". Tên gọi này không chính thức được ghi lên bản đồ như "Gia Định Thành" hay "Nam Kỳ" nhưng được phổ biến trong dân gian và đi sâu vào ca dao:
"Thầy cô nhỏ thó
Lại có hường nhan
Chưn mày lan con mắt lộ
Đất lục tỉnh này ai ngộ bằng cô!"
Tác giả cho rằng khi sự quản lý về mặt hành chính của các chúa Nguyễn được định hình, văn học Hán Nôm của xứ Đàng Trong ra đời và phát triển. Khi chính quyền Đàng Trong đi vào ổn định thì việc học hành, thi cử, các tác phẩm văn chương và khảo cứu địa dư lần lượt ra đời, các loại hình văn tế trong hoạt động tín ngưỡng được chuẩn hóa, mang sắc thái và ngôn ngữ riêng của Nam Bộ. Tác giả còn giới thiệu sơ lược về nhiều tên tuổi lớn thời kỳ đó như Mạc Thiên Tích, Võ Trường Toản, Trịnh Hoài Đức, Bùi Hữu Nghĩa, Huỳnh Mẫn Đạt.
Tập ba Văn học Hán Nôm và văn học Quốc ngữ thời kháng Pháp và thuộc Pháp biên khảo các tác phẩm văn chương thể hiện tinh thần yêu nước của người Nam Bộ. Đây là thời kỳ sản sinh những nhà văn với tài năng xuất chúng như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Nguyễn Thông, Sương Nguyệt Anh, Nguyễn Quang Diêu.
Từ lúc thành Gia Định thất thủ, các đồn Kỳ Hòa, Cây Mai bị hạ, người dân sớm ý thức trách nhiệm của mình, đứng lên chống giặc. Trong hoàn cảnh khốn khó, nhiều bài vè, hịch, phú, tế, bài hát, bài thơ ra đời, bày tỏ nỗi uất hận, kêu gọi hy sinh vì chính nghĩa. Có tác phẩm xuất phát từ giới học vấn khoa cử, nhiều bài khác do người dân sáng tác, không rõ tác giả.
Trong phần lời tựa, tác giả cho biết việc tìm tài liệu cho bộ sách không dễ dàng, trong đó "phần dân gian không thể ngồi nhà lật mở sách báo cũ ra chép mà phải đi nhiều, học nhiều rồi phỏng vấn cho thật nhiều", do tác phẩm chỉ được chép tay hoặc truyền miệng. Ngoài ra, chỉ có Mạc Thiên Tích, Trịnh Hoài Đức, Phan Thanh Giản và Nguyễn Thông mới có sách xuất bản bằng chữ Hán, do việc in ấn được dành cho các nhà văn có bề thế.
Ông Nguyễn Văn Hầu (1922-1995) sinh tại An Giang, là nhà văn, nhà nghiên cứu văn học, văn hóa và lịch sử Việt Nam. Ông xuất thân trong một gia đình Nho học, được học chữ Quốc ngữ, Pháp ngữ và chữ Hán từ nhỏ. Năm 1952, ông dạy học, viết báo và viết sách về chủ đề biên khảo, nghiên cứu văn học và lịch sử địa phương. Trong giai đoạn này, ông còn làm chủ bút của nguyệt san Đuốc Từ Bi. Từ năm 1960 đến 1968, ông tham gia viết sách giáo khoa môn Giảng văn bậc trung học. Năm 1971, ông dạy môn Văn học tại Viện Đại học Hòa Hảo An Giang.
Tác giả có nhiều tập sách về vùng đất Nam Bộ gồm Bản ngã người Việt, Việt Nam Tam Giáo Sử đại cương, Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Việt sử kinh nghiệm, Nửa tháng trong miền Thất Sơn, Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang.
Quế Chi