Có hơn một ý kiến phát biểu rằng văn học miền Nam không có quá khứ gì đáng kể. Ai cũng biết ý kiến đó ngang xương và hời hợt, tuy nhiên, nếu chỉ nhìn lướt qua trên mặt tầng, hoặc cứ nhằm tìm hiểu những tác phẩm lớn như một nhà văn Pháp chỉ truyện Kiều, thì quả tình bất cứ ai cũng lâm vấp như vậy.
Nhưng văn học phải đâu chỉ đòi hỏi rặt những tác phẩm lớn như truyện Kiều, cũng như muốn đánh giá một nền văn minh đâu phải chỉ tìm thấy thể hiện nơi một ông Jésus, một ông Khổng hay một ông Phật! Văn học miền Nam gồm các tác giả vô danh và hữu danh, các tác phẩm lớn nhỏ với nhiều bộ môn gộp lại như bất cứ thành phần văn học ở đâu.
Sự cá biệt của văn học miền Nam
Nói vậy xin đừng ai nghĩ lầm rằng muốn phân chia riêng rẽ hoặc muốn đánh trả lại các ý kiến phát biểu ngang xương hời hợt trên kia. Nói vậy là để đưa ra một sự thật. Một sự thật rất đúng thật, vì miền Nam từ khi bắt đầu khai lập cho đến lúc thành hình gần như một xã hội lớn có đủ thứ cần thiết, thì nó chưa hề liên lạc gì được với miền Bắc gốc gác và ruột thịt của nó.
Miền Nam, cho mãi đến tận đầu thế kỉ 19, qua gần 200 năm khai thác và kiến tạo, vẫn còn bị tách rời với các sinh hoạt miền Bắc. Vóc dáng của miền Nam được hình thành từ hồi còn Trịnh - Nguyễn phân tranh và phong phú hơn giữa lúc Nguyễn Vương Ánh chiếm giữ Gia Định. Cho đến tiền bán thế kỉ 19, các vua Gia Long, Minh Mạng hoàn toàn thống nhất và ổn định được Bắc Nam, thì sinh hoạt Bắc Nam cũng vẫn còn cá biệt. Miền Nam được xưng gọi Gia Định Thành rồi Nam Kỳ và gần hết viên chức cai trị ở đây đều dùng người miền Nam hoặc người miền Trung, từ Quảng Trị trở vào.
Chúng ta để ý và phối kiểm để biết thêm rằng mãi đến đầu thế kỉ 20, người Việt miền Nam Kỳ này, thứ nhất là dân chúng thuộc lưu vực Cửu Long Giang, vẫn ít có cơ hội tiếp xúc được với đồng bào miền Bắc. Họ chỉ biết có những người từ Huế vào và sự kiện này đã in trí dân chúng cho đến đỗi họ không cần phân biệt và cũng bất chấp những lời giải thích, đính chính. Hễ cứ nghe giọng nói "trọ trẹ" thì người ta cho là dân Huế. Ông thầy Huế, anh thợ Huế, bà Huế, cô Huế... thi sĩ Tản Đà vào viếng ông Chủ bút Nguyễn Thành Út ở Lòng Ông Chưởng, người ta bu lại coi cho biết mặt "ông thầy Huế danh sử". Cụ Cử Võ Hoành bị an trí tại Sa Đéc hay "xịt bậy" với Tây, người ta truyền khẩu với nhau để mà biết "ngán" cái ông "thầy Huế coi đầu rẻ như sọ gáo". Rồi các cụ Dương Bá Trạc, Phương Sơn và cho đến nhà cầm bút Nguyễn Hiến Lê, mới trong hồi tản cư về miền Đồng Tháp sau biến cố 1945, cũng vẫn "bị" dân chúng kêu là "thầy Huế".
Những điều lặt vặt như vậy nhưng đã lấy làm rất đủ để chứng tỏ có sự cá biệt của một miền Nam thân yêu trong một quốc gia Việt Nam. Và sự cá biệt đó đã tạo thành điều mà ta gọi là Văn học miền Nam với ít nhiều những gì đặc thù của nó.
Những khoảng cách của nòi giống bởi các biến cố lịch sử gây nên đó hiển nhiên đã tạo thành một thứ văn học miền Nam cách biệt với những tính chất cách biệt từ ý tưởng, kỹ thuật, lẫn ngôn từ. Nó tự nhiên phải góp phần làm giàu cho nền văn học quốc gia và tất nhiên sẽ không còn cần phân biệt, nghĩ bàn chi nữa khi mà chúng ta đã khai thác triệt để, chứng minh triệt để sự hiện diện của nó trong nền văn học chung.
Những lý do khiến văn học miền Nam mai một
Nhưng vấn đề còn cần nói đến vì còn có những việc cần làm.
Đọc những sách viết về văn học Việt Nam, về văn hóa Việt Nam và về văn học sử Việt Nam, chúng ta thấy có một chỗ lủng trống về miền Nam nước Việt. Lỗi không phải ở các tác giả biên khảo về các vấn đề đó mà tại nhiều lẽ:
- Bởi tính chất giản dị, hời hợt, đạm bạc của những người lưu dân ít học, khiến người ta chỉ thích trọng những nhu cầu thực tế: ăn, ở, mặc, thờ cúng; còn thì xí xóa, không mấy cố gắng, chuyên cần.
- Tại nhiều bậc tiền bối cứ ghét Tây rồi không ưa lây sang chữ Quốc ngữ, nên không chịu để ai phổ biến thi phú, văn chương của mình bằng thứ chữ ấy.
- Tại người Pháp dưới hình thức thuộc địa, đã kiểm soát miền Nam một cách hung bạo, gắt gao, khiến cho những tài liệu có tinh thần ưu ái quốc gia xưa cũ, hoặc có tình ý chống đối xâm lược đương thời, đều lần lượt bị làm mồi cho mối mọt bởi sự giấu đút, hay vì quá kinh sợ mà đốt bỏ đi.
- Tại muốn bảo toàn khí tiết, nhiều nhân sĩ cố ẩn danh rồi từ đó sống một cuộc sống âm thầm, lần lần rơi vào tiêu cực, không muốn ghi chép, sáng tác hay không muốn để lại một điều gì kể cả việc lập gia phả, vì sợ thổ lộ tông tích và tâm sự của mình.
- Tại nhiều lượt chiến tranh thiêu hủy.
- Tại cuộc sống của miền Nam quá dễ dàng: "Lên rừng hốt đặng bạc, xuống sông bắt đặng cá, và ra đồng thời đặng lúa". Do đó mà trước đây, ít có người chịu khó bỏ công sưu tầm, biên khảo một cách công phu, một công việc đòi hỏi ở nhiều người, nhiều năng tài và nhiều thế hệ. Chính điểm sau cùng này tai hại hơn cả cho sự mai một phần lớn văn học miền Nam trong nền văn học chung.
Bây giờ chúng ta phải làm gì để khai phục những thất lạc thiếu thốn đó? Câu trả lời giản dị nhất không có gì khác hơn là chúng ta phải nỗ lực làm việc. Vài ba cá nhân với những cố gắng riêng rẽ trong thời gian qua đã khám phá được những tài liệu quan trọng thuộc phạm vi văn học miền Nam. Nếu nhiều cá nhân đồng lòng làm việc, biết hợp sức với nhau để phối trí công tác, chia đặt từng thời kì, từng bộ môn để sưu tầm, thì sự phong phú chắc thế nào cũng trông thấy rõ.