Ngày 5/3, Bộ GD&ĐT cho phép 62/207 ngành học được tuyển sinh trở lại chỉ sau một thời gian ngắn có quyết định dừng tuyển sinh năm 2014. Điều này đã gây nhiều bức xúc, nghi vấn.
"Chỉ trong một tháng mà Bộ GD&ĐT tuyên bố dừng đào tạo 207 ngành học rồi lại cho phép 62 ngành được đào tạo lại khiến những người làm giáo dục như tôi cảm thấy bức xúc, mất niềm tin vì sự quản lý quan liêu của bộ", PGS TS Đặng Ngọc Lệ, nguyên giảng viên khoa Ngữ văn ĐH Sư phạm TP HCM băn khoăn.
PGS Lệ cho rằng, Bộ Giáo dục thừa biết ĐH Sư phạm Hà Nội là trường đào tạo sư phạm uy tín của cả nước, đặc biệt trong các ngành toán học, văn học, hóa học , sinh học... Thế nhưng chỉ vì dựa vào báo cáo mà Bộ tuyên bố dừng đào tạo các ngành học này. Sau khi được trường "báo cáo lại", Bộ đã cho phép các ngành nêu trên được đào tạo lại cùng gần 60 ngành học của các trường khác.
"Cách làm việc của Bộ GD&ĐT là rất vô lý, thiếu xác đáng. Tại sao cấm rồi lại vội vàng cho phép các trường đào tạo lại? Trong một tháng, Bộ có đã đến từng trường, từng ngành kiểm tra có đạt tiêu chuẩn về giảng viên không hay bộ tiếp tục chỉ dựa vào giải trình và báo cáo của trường? Bệnh quan liêu, giấy tờ rất nặng của Bộ đã gây hoang mang rất lớn cho thí sinh và xã hội", PGS Lệ bức xúc.
TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Phát triển chiến lược (ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM) cho rằng, cách làm của Bộ GD&ĐT gây hiệu ứng không chắc chắn trong quản lý, trong khi đáng ra cơ quan quản lý phải nghiêm minh.
"Phải chăng bộ quá tay rồi nương tay? Nếu như thế thì hiệu lực quản lý sẽ mất hết khiến người thừa lệnh phải e ngại", ông Dũng bày tỏ và cho rằng, việc Bộ GD&ĐT cấm rồi cho không phải là chuyện lạ. Trước đây, bộ cũng từng cấm đào tạo thạc sĩ một số ngành rồi lại cho mở, nay đến bậc ĐH.
"Việc chỉ dựa trên báo cáo của các trường rồi cấm đào tạo là thiếu chắc chắn, thiếu cơ sở dữ liệu. Lẽ ra, trước khi quyết định, Bộ phải thông báo rõ cách thức để cho các trường thực hiện chứ không phải làm 'rụp' một cái như vậy", ông Dũng nhìn nhận.
Cơ hội cho cơ chế xin - cho?
Theo TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT), quyết định cho tuyển sinh lại đối với 62 ngành đào tạo được xem là một cách "chữa ngượng" của bộ. Đây cũng là cơ hội để xuất hiện cơ chế xin - cho.
Ông Khuyến cho biết, 62 ngành này đều phải khai lại. Có thể các trường nhận về phía mình những sai sót trong lúc khai để có cơ hội tuyển sinh lại. "Bộ GD&ĐT cần phải kiểm tra kỹ các trường có ngành được phép tuyển sinh trở lại có đủ chuẩn không? Cũng không loại trừ các trường 'phù phép' số liệu cho đủ chuẩn" ông lo ngại.
Còn Hiệu trưởng ĐH Phương Đông Bùi Thiện Dụ cho rằng, việc Bộ GD&ĐT thống kê, kiểm tra lại các ngành đủ điều kiện mới cho tuyển sinh là đúng. Tuy nhiên, lần này bộ chưa chuẩn bị kỹ. Trong thông báo gửi các trường, Bộ chưa khi nào nói phải thống kê theo tiêu chí như trong Thông tư 08 mà chỉ nói gửi danh sách cán bộ.
"Nếu như năm 2013, Bộ GD&ĐT thông báo tới các trường cuối năm có đợt rà soát lại theo những tiêu chí cụ thể, trường cần chấn chỉnh báo cáo đầy đủ, kèm theo đó là những minh chứng cụ thể thì sẽ không có chuyện như bây giờ", ông Dụ nói.
Ông Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng ĐH FPT cũng nhận định, những ngành đi theo nghề nghiệp ứng dụng hay liên quan tới văn hóa, nghệ thuật mà yêu cầu tiến sĩ là rất khó. Theo ông Tùng, đáng ra Bộ GD&ĐT phải làm việc với các trường trước. Nếu trường thừa nhận sai sót thì phải sửa ngay chứ không phải công bố cấm rồi mới sửa.
Tương tự, PGS TS Đặng Ngọc Lệ cho rằng, quyết định dừng tuyển sinh của Bộ Giáo dục ghi rõ dừng tuyển sinh năm 2014, vậy cớ gì Bộ vội vàng cho tuyển sinh trở lại ngay?
"Bộ GD&ĐT không thanh tra, kiểm tra kỹ mà cho phép tuyển sinh trở lại nhanh chóng là vì quyền lợi của sinh viên, lợi ích kinh tế của các trường hay vì lý do gì khác? Vấn đề này đặt ra nhiều câu hỏi mà chỉ người trong cuộc mới có câu trả lời", PGS Lệ nhấn mạnh.
Sẽ còn nhiều ngành được đào tạo lại
Thạc sĩ Lý Thị Phương Hoa, Phó khoa Điều dưỡng Kỹ thuật Y học (ĐH Y Dược TP HCM) cho biết, sau khi có quyết định dừng tuyển sinh các ngành vật lý trị liệu, kỹ thuật hình ảnh, kỹ thuật phục hình răng, bà đã thay mặt trường ra thuyết minh tại Bộ GD-ĐT về nhân sự của các ngành này. Do đặc thù ngành y nên lực lượng tiến sĩ giữa ngành này và ngành khác thường xuyên có sự phối hợp. Chẳng hạn, điều trị bệnh nhân gãy xương, mổ thay khớp phải kết hợp với giảng viên vật lý trị liệu... "Chúng tôi phải giải trình cho Bộ hiểu và thời gian qua đã rất hồi hộp chờ kết quả", bà Hoa nói.
Còn PGS TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP HCM) cho biết, trong 62 ngành học mà Bộ vừa công bố cho phép đào tạo lại, không có 2 ngành của trường là ngôn ngữ Ý và ngôn ngữ Tây Ban Nha. Tuy nhiên, Bộ đã phản hồi với trường bổ sung lý lịch của giảng viên để xem xét cho đào tạo lại vì vẫn còn một đợt xét nữa.
Theo ông Sen, 2 ngành ngôn ngữ của trường chưa có nơi nào đào tạo tiến sĩ chuyên ngành, chỉ có tiến sĩ ngành gần với ngành học. Do đó, Bộ GD&ĐT nên "chiếu cố" vì đây là những ngành đặc thù và theo Luật Giáo dục thì thạc sĩ trở lên có thể đào tạo bậc đại học.
Theo Người Lao động