Ông Bùi Anh Tuấn, vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, tính đến chiều ngày 4/3, Bộ Giáo dục đã nhận được báo cáo giải trình của gần 30 trường và đề nghị được tuyển sinh trở lại khoảng 100 ngành đào tạo. "Nhận báo cáo đến đâu chúng tôi xử lý đến đó. Hiện 62 ngành đã bổ sung được điều kiện theo quy định đã được cho phép tuyển sinh trở lại trong năm 2014", ông Tuấn thông tin.
Danh sách 62 ngành được tuyển sinh trở lại |
Vụ trưởng Giáo dục đại học cho hay, Bộ đồng ý để các trường khắc phục, bổ sung đội ngũ giảng viên nhưng đồng thời vẫn rà soát các điều kiện đảm bảo chất lượng theo đúng quy trình. Vì vậy, Bộ đã phát hiện báo cáo bổ sung của một số trường là "ảo" khi có hiện tượng 1 giáo sư, tiến sĩ có trong danh sách giảng viên cơ hữu của 2-3 trường.
Những ngành được tuyển sinh trở lại đa số thuộc khối ngành Văn hóa, nghệ thuật và ngôn ngữ nước ngoài. Với số lượng ngành bị đình chỉ tuyển sinh lớn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có công văn gửi Bộ Giáo dục đề nghị có những giải pháp linh hoạt đối với khối ngành này. Với thực tế thiếu hụt giảng viên nghệ thuật, Bộ đã cho phép các trường nghệ thuật có các thầy đã nghỉ hưu là thạc sĩ, tiến sĩ có hợp đồng dài hạn được tính là giảng viên cơ hữu - cách tính giảng viên cơ hữu giống như dành cho khối các trường ngoài công lập.
Bên cạnh đó, các trường nghệ thuật có thể mời giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ đúng ngành, đang công tác tại các Viện nghiên cứu tham gia giảng dạy. Những ngành không thể tìm được tiến sĩ, thạc sĩ đúng chuyên ngành có thể thay thế bằng giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ ở ngành gần, nhưng phải đảm bảo ít nhất hai công trình nghiên cứu đã công bố liên quan đến ngành, chuyên ngành giảng dạy.
Đối với các ngành ngôn ngữ nước ngoài, nếu có giảng viên là người nước ngoài có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ ký hợp đồng 1 năm hoặc giáo sư, tiến sĩ ngành gần cũng được tính là giảng viên cơ hữu.
Ngoài các ngành khối văn hóa, nghệ thuật, ngôn ngữ nước ngoài, một số trường đã sắp xếp, quy hoạch lại đội ngũ giảng viên giữa các ngành đào tạo, hoặc tuyển dụng bổ sung giảng viên có trình độ theo yêu cầu như ĐH Hà Tĩnh, Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên tuyển bổ sung được 1 tiến sĩ, một số trường dân lập cũng mời được giảng viên là Phó giáo sư, tiến sĩ. Có trường có sai sót trong báo cáo đợt trước, báo cáo lại và được Bộ xác minh.
"Tất cả các giải pháp này chỉ là biện pháp Bộ hỗ trợ các trường trong giai đoạn quá độ 2015 - 2017. Dừng tuyển sinh 207 ngành không phải là mục tiêu mà đó chỉ là liều thuốc đắng để chữa bệnh, đảm bảo chất lượng giáo dục", ông Tuấn nói và cho hay, thông qua việc rà soát, các trường có trách nhiệm hơn với việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, đồng thời Bộ cũng rút ra được kinh nghiệm trong quản lý nội bộ và tăng cường trách nhiệm kiểm tra giám sát của bộ.
Cuối tuần này, Bộ Giáo dục sẽ có công văn chính thức trả lời các trường về các ngành được tiếp tục tuyển sinh từ năm 2014.
Từ 2010, Bộ GD&ĐT đã tổ chức rà soát đào tạo tiến sĩ, 2012 rà soát với thạc sĩ, 2013 với đại học và 2014 sẽ là các trường cao đẳng. Sau quá trình thực hiện, Bộ đã xử lý một loạt chuyên ngành đào tạo tiến sĩ bị thu hồi giấy phép. Trong đó, 58 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ đã bị thu hồi quyết định đào tạo, năm 161 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ bị dừng tuyển sinh do không đủ điều kiện về đội ngũ giảng dạy. Năm 2014, Bộ đã quyết định dừng đào tạo 207 ngành đại học.
Hoàng Thùy