Ta vẫn thường thấy các thống kê và tin tức về công nhân xuất khẩu lao động, thực tập sinh, sinh viên, khách du lịch bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp tại một số quốc gia. Song, nổi lên trong danh sách gần như lúc nào cũng có vài tỉnh thành, gồm Nghệ An, Hà Tĩnh. Tuy nhiên, thực tế này không có nghĩa tất cả những người có hộ khẩu ở các tỉnh "nghi vấn" đều thuộc diện rủi ro cao khi xin visa vào một số nước. Và ngược lại, không phải ai giữ hộ khẩu ở thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM hay Đà Nẵng đều thuộc diện dễ lấy visa. Trong một chừng mực nào đó, cách mà một số nước xếp Việt Nam vào diện rủi ro cao (cụm từ "high risk country" được in hẳn trên giấy tờ, quy định nội bộ của họ) khi xét visa làm tôi liên tưởng đến những cá nhân có hộ khẩu Nghệ An, Hà Tĩnh.
Nhưng làm trong nghề của mình, tôi biết không phải người nào đến từ quốc gia xếp hạng cao cũng giàu có, tài năng và trung thực; và ai đến từ quốc gia cuối "bảng xếp hạng hộ chiếu" cũng muốn bỏ trốn hay cư trú bất hợp pháp tại nước ngoài. Đây cũng là một trong những ngộ nhận phổ biến góp phần vào việc nhiều gia đình bằng mọi giá muốn đổi màu hộ chiếu.
Trên thực tế, rất nhiều gia đình Việt Nam có khả năng tài chính vẫn thường kỳ vọng về quyền lực của một quyển hộ chiếu ngoài Việt Nam. Họ thường bỏ qua phần tìm hiểu về trách nhiệm công dân và những giới hạn pháp lý của quốc gia mà họ đang muốn nhập tịch. Trong đó, nổi cộm nhất có lẽ là tỷ lệ đóng thuế thu nhập cá nhân cao ngất ngưởng ở các nước phát triển để phục vụ cho an sinh xã hội và sự tôn nghiêm của luật pháp. Đây cũng là lý do hàng đầu của những người đã từ bỏ quốc tịch Mỹ trong một báo cáo hồi tháng 8 mới đây của Bambridge Accountants. Một ví dụ khác, nhiều quốc gia cũng giới hạn việc người có hai quốc tịch được ứng cử vào quốc hội để tránh xung đột lợi ích về lòng trung thành với quốc gia mà họ đang phụng sự.
Có khá nhiều nghiên cứu và xếp hạng quyền lực hộ chiếu của các nước, một trong số được sử dụng tham chiếu rộng rãi là bảng xếp hạng Chỉ số hộ chiếu Henley của Hãng tư vấn Henley & Partners. Bảng xếp hạng này dựa trên thông tin tổng hợp về sự tự do đi lại đến các quốc gia mà không cần xin visa dựa trên cơ sở dữ liệu của Cơ quan vận tải hàng không quốc tế (AITA). Tháng 7/2019, Việt Nam nằm trong nhóm thứ 95, đứng thứ 173 trong số 199 hộ chiếu được xếp hạng, được miễn thị thực đến 49 quốc gia. Trong khi đó, Australia nằm trong nhóm thứ 9, xếp thứ 25 và được miễn thị thực đến 180 quốc gia. Tuy nhiên, theo báo cáo mới công bố vào tháng 7/2020 thì hộ chiếu Việt Nam đã tiến lên nhóm thứ 89, đứng thứ 161 trên tổng số 199 hộ chiếu được xếp hạng và được miễn thị thực đến 54 quốc gia. Australia vẫn đứng thứ 25 nhưng được miễn thị thực đến 183 quốc gia.
Nhiều năm về trước, lúc tôi xin visa du học Australia, gia đình đã phải vất vả một phen để chứng minh về động cơ muốn đi nước ngoài mà cụ thể là phần chứng minh tài chính và kế hoạch hậu du học để thuyết phục người xét hồ sơ rằng tôi không có ý định muốn ở lại Australia sau khi tốt nghiệp. Nhiều bạn bè tôi cũng trải qua những tình huống tương tự, thậm chí có người bị từ chối visa vì Việt Nam vẫn nằm trong vùng "nguy cơ cao" nên việc xét duyệt hồ sơ cho những công dân giữ hộ chiếu Việt Nam vẫn còn nhiều rủi ro.
Khi sang Australia, tôi gặp nhiều thanh niên đồng trang lứa đã đến đây một cách dễ dàng. Các bạn đến từ các nước phát triển ở châu Âu, Mỹ và nhiều nước châu Á như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... Họ chỉ cần có đủ tiền mua vé máy bay và một ít sinh hoạt phí là đã có thể đi đến rất nhiều quốc gia trên thế giới. Đi đến đâu tìm việc làm đến đó, vừa du lịch vừa trải nghiệm trong khả năng ví tiền cho phép. Vì vậy, nhiều người trẻ dù xuất thân khiêm tốn cũng đã có thể lận lưng một vốn sống chắc nịch, một bản lĩnh đáng khát khao.
Đến khi bắt đầu làm việc trong ngành di trú, tôi mới có cơ hội để nghiên cứu nhiều hơn về các chính sách di dân. Xã hội loài người vốn luôn là những dòng di cư từ nơi này đến nơi khác. Con người có rất nhiều lý do để di chuyển. Việc chuyển dịch qua các đường biên giới hôm nay thuận lợi hay khó khăn hơn được quyết định chính bởi cuốn hộ chiếu trên tay bạn. Vì vậy mà không chỉ tại Việt Nam, rất nhiều người ở nhiều nước có nhu cầu đổi hoặc có thêm một cuốn hộ chiếu.
Tôi hiện là một trong hàng triệu người Việt đang có song tịch sinh sống trên toàn cầu. Cả hai quyển hộ chiếu mà tôi đang giữ đã cho tôi rất nhiều thuận lợi trong cả công việc và cuộc sống. Vậy mà trong thời đại dịch Covid đang diễn ra, chúng tôi - những người đang có tới hai cuốn hộ chiếu trong tay - lại rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Chúng tôi không thể rời khỏi quốc gia hiện tại cũng như không thuộc diện được xem xét trở về Việt Nam dù chỉ để tránh dịch. Thời gian này, hầu như mỗi gia đình ở hải ngoại đều có những người bạn, người thân phải sống trong cách trở, thậm chí người thân qua đời cũng không thể trở về kịp lúc do cách ly bắt buộc và những yêu cầu pháp lý xét duyệt hồ sơ. Và lúc này, việc giữ thêm một quyển hộ chiếu quyền lực cũng không có tác dụng gì.
Cũng nên lưu ý việc miễn thị thực luôn gắn kết mật thiết với chính sách ngoại giao và ưu tiên giữa các quốc gia. Và vì vậy, các bảng xếp hạng hộ chiếu quyền lực luôn có những giới hạn và chỉ mang tính tương đối. Ở cấp độ cá nhân, việc xét duyệt hồ sơ visa của các nước luôn dựa trên những bằng chứng chủ yếu về nhân thân, năng lực và hạnh kiểm của đương đơn, còn quốc tịch hiện tại hay quê quán của họ chỉ là điều kiện thứ yếu. Thực tế trên thế giới, ta vẫn thấy nhiều trường hợp, những lãnh tụ về tôn giáo và chính trị của nhiều quốc gia vẫn được chào đón và kính trọng ở quốc gia kia dù họ trong tình trạng không quốc tịch, trong tay họ không có một quyển hộ chiếu nào.
Năng lực và hạnh kiểm cá nhân của mỗi con người mới là chân quyền lực của họ mà không một cuốn hộ chiếu nào có thể đại diện được.
Huỳnh Thị Ngọc Hân