Facebook ngày 25/2 thông báo cấm quân đội Myanmar sử dụng các nền tảng của họ gồm mạng xã hội Facebook và Instagram sau nhiều tuần bất ổn vì đảo chính.
Gã khổng lồ công nghệ Mỹ cũng tuyên bố sẽ cấm tất cả "các thực thể thương mại liên quan tới quân đội Myanmar" quảng cáo trên các nền tảng của mình. Facebook cho biết thêm quyết định cấm quân đội Myanmar xuất phát từ "vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và nguy cơ nổ ra bạo lực trong tương lai" tại nước này.
Facbook là nền tảng mạng xã hội được sử dụng rộng rãi ở Myanmar và cũng là một trong những kênh để chính quyền quân đội tương tác với mọi người.
Những năm gần đây, Facebook đã tích cực hợp tác với các nhà hoạt động dân quyền và các đảng chính trị dân chủ ở Myanmar. Năm 2018, họ cấm Thống tướng Min Aung Hlaing cùng 19 sĩ quan và các tổ chức quân đội cũng như gỡ hàng trăm trang, tài khoản do các thành viên quân đội Myanmar quản lý.
Trước thềm cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 11/2020, Facebook thông báo đã xóa mạng lưới gồm 70 trang và tài khoản giả mạo do các thành viên quân đội Myanmar quản lý vì đăng tải các nội dung chỉ trích Aung San Suu Kyi và đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà.
Tại Mỹ, hàng chục mạng xã hội, nền tảng công nghệ đồng loạt chặn hoặc hạn chế những tài khoản, từ khoá liên quan đến tổng thống Donald Trump sau cuộc bạo loạn Đồi Capitol ngày 6/1.
Thống kê của Axios cho thấy không chỉ Facebook mà cả Twitter, Google, TikTok, Reddit, Shopify, Instagram, Snap Chat, Discord, Pinterest... đều đồng loạt "cấm" Trump.
Một nghiên cứu năm 2019 chỉ ra rằng trung bình, người dân trên toàn thế giới dành gần 2,5 tiếng mỗi ngày trên mạng. Giới chuyên gia từ lâu đã nhận thấy một thực tế là mạng xã hội đang ăn sâu vào đời sống con người, ảnh hưởng tới nhiều mặt xã hội và chính trị không phải là ngoại lệ.
Các ứng viên, các nhóm chính trị, nghị sĩ và nhiều thành phần khác đang sử dụng mạng xã hội để kết nối với cử tri và truyền thông điệp.
Theo Politico, cựu tổng thống Mỹ Trump không điều hành chính phủ theo cách thông thường như những người tiền nhiệm khác và Twitter mang tới cho ông công cụ để làm điều khác biệt.
Ông sử dụng nền tảng này để thông báo sa thải các bộ trưởng trong nội các hay gây áp lực đối với các tập đoàn lớn. Ông cũng sử dụng nó như công cụ ngoại giao, công kích tổng thống Iran và khoe vũ khí hạt nhân của Mỹ để răn đe Triều Tiên. Trump đưa ra nhiều chính sách trên Twitter và đây cũng là nơi cựu tổng thống Mỹ chia sẻ các thông điệp từ những nhóm cực hữu hay công kích các đối thủ, hoặc tự khen ngợi bản thân.
Derek Robertson, biên tập viên của Vox, cho rằng Trump là tổng thống đầu tiên biến những bình luận trên mạng trở thành tiếng nói của quyền lực chính trị.
Bình luận viên Meghan Lopez từ kênh ABC Denver đánh giá cựu tổng thống Mỹ là một trong những người sử dụng hiệu quả nhất mạng xã hội.
"Tôi không chắc có ai sử dụng nó ở mức độ như Trump đã làm được", Michael Humphrey, phó giáo sư về báo chí và truyền thông tại Đại học bang Colorado, nhận xét.
Theo Humphrey, điều làm nên thành công của Trump là khả năng xây dựng những chủ đề nhất quán trên mạng xã hội để thu hút động lực cho các mục tiêu chính trị.
"Cách ông ấy sử dụng Twitter để xây dựng liên minh và tấn công các đối thủ về cơ bản tạo ra cảm giác về mục đích và sứ mệnh trong nhiệm kỳ tổng thống của Trump", Humphrey nói.
Nối bước Trump, hiện nay, hầu hết các lãnh đạo thế giới đều sử dụng mạng xã hội như Facebook hay Twitter để tương tác với người dân hay đưa ra các thông báo quan trọng.
Bên cạnh lợi ích là đưa các lãnh đạo chính trị đến gần với người dân hơn, mạng xã hội cũng tiềm ẩn không ít hiểm họa.
"Lan truyền thông tin sai lệch trên mạng xã hội dễ dàng hơn là sửa chữa nó và gây chia rẽ trên mạng xã hội dễ dàng hơn là hàn gắn", bình luận viên Zack Beauchamp từ Vox nhận định.
Bản thân cựu tổng thống Trump cũng từng tung ra không ít thông tin sai lệch khi ông thực hiện chiến dịch nhằm lật ngược kết quả bầu cử hồi tháng 11 năm ngoái. Những cáo buộc về gian lận bầu cử Trump tung ra đã lan truyền khắp các mạng xã hội, bất chấp các biện pháp đặc biệt chống thông tin sai lệch.
Những tranh cãi liên quan đến quyền lực của mạng xã hội và làm thế nào để kiểm soát thứ quyền lực này đang ngày càng trở nên sôi sục, đặc biệt sau sự việc cựu tổng thống Mỹ Trump bị hàng loạt mạng xã hội "cấm cửa".
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chỉ trích hành động này, cho rằng quyết định chặn Trump từ các mạng xã hội có vẻ hợp lý trong khoảng thời gian ngắn, nhưng không phải một "câu trả lời dân chủ".
"Tôi không muốn sống trong một nền dân chủ nơi mà các quyết định quan trọng được đưa ra từ một người chơi riêng, một mạng xã hội riêng. Tôi muốn điều này được quyết định dựa trên điều luật hoặc theo quy định vốn được các lãnh đạo dân chủ thảo luận và thông qua", Macron nói.
Tổng thống Pháp cáo buộc chính các nền tảng mạng xã hội đã thúc đẩy bạo lực chính trị ở cả Pháp và Mỹ, nhấn mạnh rằng chúng được sử dụng để "thúc đẩy các cuộc biểu tình" vốn dẫn đến lệnh cấm tài khoản của Trump.
Một số lãnh đạo thế giới đã bày tỏ quan ngại về quyền lực của các công ty tư nhân trong việc quyết định xem có nên hay không và khi nào thì nên cấm các lãnh đạo được bầu khỏi mạng xã hội.
Chính phủ Mexico và Ba Lan đã có kế hoạch theo đuổi các chính sách nhằm ngăn chặn những gì đã xảy ra với Trump.
Tại Mexico, Tổng thống Andrés Manuel López Obrador tháng trước chia sẻ trên mạng xã hội rằng chính phủ của ông sẽ liên hệ với các quốc gia G20 khác để tìm kiếm một đề xuất chung liên quan đến vấn đề này.
Chính phủ Ba Lan trong khi đó đang thúc đẩy dự thảo luật "Tự do Ngôn luận", được công bố lần đầu hồi tháng 12/2020, sẽ điều chỉnh các hạn chế phát ngôn trên không gian mạng xã hội.
"Chủ của các mạng xã hội không thể hoạt động vượt qua luật pháp", Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki viết trên Facebook. "Đó là lý do vì sao chúng tôi sẽ làm mọi thứ để xác định khung hoạt động rõ ràng cho Facebook, Twitter, Instagram cùng những nền tảng tương tự khác".
Theo dự luật của Ba Lan, người dùng có thể kiến nghị các công ty truyền thông mạng xã hội khôi phục những nội dung đã bị xóa nếu chứng minh được chúng không vi phạm luật pháp.
Thủ tướng Đức Angela Merkel thông qua người phát ngôn cũng nói rằng việc đình chỉ vĩnh viễn tài khoản mạng xã hội của cựu tổng thống Trump là hành động "có vấn đề" đối với quyền tự do ngôn luận.
"Quyền cơ bản này có thể bị can thiệp, nhưng phải theo luật pháp và trong khuôn khổ do các nhà lập pháp xác định, không phải bắt nguồn từ một quyết định của ban quản lý các nền tảng mạng xã hội", Steffen Seibert, phát ngôn viên của Thủ tướng Merkel, nhấn mạnh.
Vũ Hoàng (Theo Washington Post, Vox, ABC News, Reuters, AP)