Gia đình khó khăn, Tuấn phải tự lo lấy cuộc sống xa nhà để có thể hoàn thành ước mơ trở thành kỹ sư. Trong hai ngày cuối tuần, cậu làm việc 16 tiếng tại một rạp chiếu phim. Các ngày khác, Tuấn làm gia sư thêm khoảng 8 tiếng. Theo dự thảo Luật Việc làm sửa đổi, đang được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội lấy ý kiến, sinh viên bị hạn chế giờ làm thêm ở mức 20 tiếng mỗi tuần.
Tuấn nhẩm tính, nếu Luật được thông qua và có hiệu lực, nhiều khả năng cậu sẽ phải cắt hẳn một công việc, thu nhập giảm đi một nửa, đối diện nguy cơ thiếu trước hụt sau ở thành phố đắt đỏ này.
Ở châu Âu, sinh viên tại Pháp được phép làm thêm không quá 964 giờ mỗi năm. Con số này tại Hà Lan và Anh lần lượt là 16 và 20 giờ mỗi tuần. Ở Bắc Mỹ, sinh viên tại Mỹ và tại Canada có thể làm thêm đến 20 giờ mỗi tuần. Ở châu Á, sinh viên tại Nhật và tại Hàn Quốc được phép làm thêm không quá 28 và 25 giờ mỗi tuần. Tuy nhiên, các con số này chỉ áp dụng với sinh viên quốc tế - tức là người mang quốc tịch khác đến những nước này du học. Chính quyền các nước không có giới hạn nào với sinh viên là công dân nước sở tại.
Thứ nhất, lao động là quyền của mỗi công dân và nhà nước phải bảo đảm sự bình đẳng trong quyền được làm việc. Sinh viên cũng là công dân với đầy đủ quyền lợi như mọi đối tượng khác. Thứ hai, kết quả học tập của sinh viên phụ thuộc vào cách quản lý đào tạo của nhà trường thông qua khối lượng bài tập/ nhiệm vụ được giao, cũng như sự đánh giá chất lượng hoàn thành. Thứ ba, chỉ những sinh viên quốc tế mới phải chịu ràng buộc số giờ làm thêm là nhằm bảo vệ mục đích cư trú lẫn bảo vệ lao động nội địa.
Trở lại câu chuyện sửa đổi Luật Việc làm, đề nghị giới hạn số giờ làm thêm của sinh viên có rất nhiều bất cập. Tại Khoản 3 Điều 30, dự thảo Luật yêu cầu bảo đảm sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của người lao động. Tuy nhiên, giới hạn về giờ làm việc của sinh viên lại vi phạm quyền bình đẳng trong lao động của các bạn trẻ.
Khoản 4, Điều 30 viết: "Cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp có trách nhiệm quản lý học sinh, sinh viên làm việc bán thời gian".
Như thế là áp cho nhà trường một trách nhiệm không liên quan đến giáo dục và đào tạo. Nếu điều này nhằm mục đích nâng cao chất lượng đào tạo con người, Luật Giáo dục mới là thứ cần sửa đổi. Nói cách khác, Luật phải bảo đảm quyền lợi cơ bản của mọi đối tượng - trong đó có sinh viên là những công dân của đất nước - cũng như điều chỉnh đúng đối tượng trong phạm vi của Luật.
Để thay đổi chất lượng đào tạo, các nhà trường cần có tiêu chuẩn rõ ràng về khối lượng kiến thức cũng như thời gian học tập tại cơ sở đào tạo. Sinh viên sẽ biết tự điều chỉnh thời gian biểu của mình - trong đó có thời gian làm thêm - nhằm bảo đảm sức khỏe cũng như khả năng hoàn thành việc học theo yêu cầu.
Nhiều người hy vọng, quy định này sẽ giúp sinh viên tập trung cho việc học. Nhưng ai dám chắc khoảng thời gian bị khống chế này sẽ được họ dành cho việc học, hay họ sẽ chơi game?... Đây là hai chuyện cần tách bạch. Sinh viên cần được đảm bảo quyền lao động, và bên cạnh đó, có nghĩa vụ hoàn thành các yêu cầu học tập theo tiêu chuẩn của nhà trường.
Kế đến, nhằm hỗ trợ sinh viên trong công việc làm thêm, Luật Việc làm có thể quy định về việc bảo đảm quyền học tập nếu thuê, tuyển dụng sinh viên, học sinh, ví dụ ưu tiên bố trí làm việc ngoài các khung giờ học tập hoặc thi cử. Ngoài ra, doanh nghiệp sử dụng sinh viên có thể được hưởng những chính sách ưu đãi đặc biệt liên quan đến thuế hay bảo hiểm xã hội.
Song song đó, vừa học vừa làm là một nhu cầu chính đáng cần được thừa nhận trong xã hội. Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể đẩy mạnh triển khai hình thức kết hợp đào tạo luân phiên giữa doanh nghiệp và nhà trường. Loại hình này vừa giải quyết được bài toán thu nhập của sinh viên, vừa nâng cao chất lượng đào tạo.
Hạn chế giờ làm thêm của sinh viên không chỉ gây khó khăn cho tương lai của các em, mà còn có thể làm nảy sinh hệ lụy: sinh viên phải đi làm chui và vì thế, bị bóc lột sức lao động.
Thay đổi để hoàn thiện luôn là điều cần thiết nhưng phải dựa trên những hiểu biết đầy đủ, tránh sự sao chép một cách máy móc quy định của những nước khác.
Trong khi dự Luật đang được lấy ý kiến, Tuấn chỉ còn biết hy vọng cậu sẽ kịp tốt nghiệp trước khi Luật (nếu được thông qua) có hiệu lực.
Võ Nhật Vinh