Quyền im lặng của bị cáo là một quyền đã được công nhận từ rất lâu ở nước Mỹ. Vừa qua, một giáo sư luật người Mỹ đã trả lời phỏng vấn về vấn đề này. Tôi xin góp thêm ít lời về quyền im lặng trong hệ thống luật pháp Mỹ.
Quyền im lặng bắt nguồn từ điều sửa đổi hiến pháp số 5 của Mỹ, trong đó có câu: "Không người nào lại bị bắt buộc phải làm chứng chống lại mình". Nói cách khác, hiến pháp Mỹ nhìn nhận quyền được tự bảo vệ mình của công dân.
Quyền này được cụ thể hoá trong một vụ án hình sự của Miranda, một người ở Bang Arizona bị bắt và bị hỏi cung mà không được thông báo là mọi công dân đều có quyền im lặng.
Toà án sau đó tuyên bố rằng mọi lời cung của ông ấy đều không được dùng trước toà, bởi lẽ ông ấy không được thông báo về quyền im lặng của mình. Vì thế ở Mỹ các luật sư quen gọi quyền im lặng là "quyền Miranda".
Quyền Miranda còn có nguồn gốc ở điều sửa đổi hiến pháp số 6 của Mỹ, trong đó quy định mọi công dân có quyền được luật sư giúp đỡ khi làm việc với chính quyền.
Quyền có luật sư giúp đỡ chỉ được áp dụng bắt buộc với các trường hợp bị khởi tố hình sự, với những tội danh mà bản án có thể bao gồm án tù. Nói cách khác, nếu một người bị khởi tố tội nhẹ mà khung hình phạt không có án tù thì có thể không bắt buộc phải có luật sư, tức là nếu người đó có tiền thuê luật sư thì tuỳ thích, nhưng nếu không có tiền thì cũng không thể xin luật sư nhà nước đại diện cho họ được.
Quyền im lặng có nghĩa là dù hoàn toàn im re, không nói năng gì cả thì cũng không thể dùng hình phạt, hăm doạ, hay tăng thêm tội. Còn quyền được có luật sư hỗ trợ thì có nghĩa là nhà nước chỉ được hỏi cung khi có luật sư bên cạnh. Hai quyền này hỗ trợ cho nhau, và mục đích là giúp cho mọi công dân được sự hỗ trợ cần thiết khi đối phó với nhà nước.
Quyền im lặng đã có rất lâu ở Mỹ, từ thời mới lập quốc, tức là cuối thế kỉ 18. Quyền này không được lập ra để tránh án oan sai, đúng như giáo sư Conley có nói. Nó được lập ra xuất phát từ tình hình chính trị của nước Mỹ lúc bấy giờ. Mỹ vốn là thuộc địa của Anh. Người Mỹ xem chính phủ hoàng gia của Anh thời đó giống như là một chính phủ đô hộ với quyền lực tập trung vào một số ít.
Thói quen tra khảo tội phạm lúc đó vốn thịnh hành ở Anh và được chính phủ Anh áp dụng ở Mỹ. Người Mỹ xem những biện pháp của chính phủ Anh là sai lầm, và là tư duy cổ hủ của giai cấp phong kiến cầm quyền.
Khi lập nước, người Mỹ quyết tâm tránh những sai lầm của chính phủ Anh và họ lập ra một hiến pháp với những quyền cơ bản của con người, trong đó có quyền được im lặng không phải chống lại mình, quyền được tôn trọng riêng tư ở nhà và trong các giấy tờ riêng tư là những quyền mà người Mỹ quyết lập ra để tránh những sai lầm mà chính phủ hoàng gia Anh mắc phải.
Nói cách khác, người Mỹ quan điểm người dân là bình đẳng với nhà nước. Pháp luật Mỹ được xây dựng trên quan điểm là nhà nước, là thế lực mạnh mẽ và cũng dễ làm sai, nên người dân được trang bị các quyền để có thể giao dịch bình đẳng với nhà nước. Lẽ tất nhiên là quan điểm này bị ảnh hưởng rất nhiều từ giai đọan thuộc địa của Mỹ. Với người Mỹ, "chính quyền" làm càng ít và càng ít quyền thì càng tốt.
Ngày nay, quyền im lặng được áp dụng rộng rãi ở rất nhiều nước. Quyền im lặng chủ yếu được sử dụng nhằm bảo đảm rằng không ai bị ép cung, khai chống lại mình, bởi đó là một quyền cơ bản của con người.
Nếu như ngày xưa ở nước ta, các triều đại phong kiến không cho phép con tố cáo tội ác của cha mẹ để tròn đạo hiếu, thì quyền im lặng ngày nay là để đảm bảo không ai phải tố giác bản thân, nhằm bảo vệ nhân phẩm của con người.
Xét về mặt lí, thì nếu không có quyền im lặng, người dân có thể bị ép buộc phải khai. Khi bị ép buộc thì chưa chắc họ đã khai đúng, vì thế mới có chuyện xảy ra án oan dựa hoàn toàn vào lời khai của thủ phạm.
Ở Mỹ thì ít khi xảy ra những vụ án oan kiểu đó. Đa phần các án oan sai là do người làm chứng nhìn nhầm, bị hại dựng chuyện, và công tố viên chỉ nhất định kết tội cho xong chuyện. Luật pháp Mỹ quy định công tố viên phải cung cấp mọi bằng chứng cho luật sư bào chữa, nhưng không phải ai cũng làm như vậy.
Mặt khác, những lo lắng về việc quyền im lặng sẽ khiến tòng phạm chạy trốn là hết sức vô lý. Bởi lẽ khi bị bắt, một người không muốn khai thì có làm gì họ cũng không khai, trừ khi là dùng hình phạt thể xác, tức là nhục hình. Mà dùng nhục hình bức cung là một biện pháp phải bị cấm triệt để thì luật pháp mới chính xác được.
Có quyền im lặng và quyền gặp luật sư thì người dân mới có khả năng đứng trước pháp luật một cách bình đẳng. Ngày xưa, ở những năm 1700 hồi đó mà người Mỹ còn áp dụng được quyền im lặng. Bây giờ khoa học hình sự và kĩ năng của các trinh sát chắc chắn phải hơn ở Mỹ mấy trăm năm trước. Vậy thì áp dụng quyền im lặng cho bị cáo cũng là một cách để pháp luật được thực thi chính xác.
>> Xem thêm:Nếu được quyền giữ im lặng, ông Chấn đã không bị tù oan 10 năm
Chia sẻ bài viết của bạn về đời sống, xã hội tại đây.