Những cuộc biểu tình và bạo động ở Mỹ mấy ngày hôm nay liên quan đến việc một thanh niên da đen bị cảnh sát bắn chết khiến tình hình thời sự trở nên nóng bỏng. Người dân Mỹ đa phần không ngạc nhiên trước những chuyển biến này. Tôi xin phép được bình luận về quan hệ đa chủng tộc qua góc nhìn của một người gốc Á.
Mỹ là một đất nước đa chủng tộc. Hầu hết người dân Mỹ đều có nguồn gốc từ nơi khác, tất nhiên là trừ người Mỹ thổ dân (người gốc da đỏ). Hầu hết các sắc dân đều sống yên bình cạnh nhau, nhưng mối quan hệ giữa người gốc Phi và người gốc da trắng lại là một vấn đề lâu lâu lại bùng phát.
Người gốc Phi tới Mỹ từ thời những năm 1700, sau khi Columbus phát hiện ra châu Mỹ, trên những chuyến tàu buôn nô lệ. Tuy chế độ nô lệ dã man đã được hủy bỏ vào năm 1851 nhưng người gốc Phi ở Mỹ vẫn bị đối xử tàn tệ đầy phân biệt, bao gồm việc bị tách riêng, không được đi học ở các trường đại học, không có quyền công dân đầy đủ.
Mãi đến những năm 1960, khi tổng thống Kennedy bãi bỏ toàn bộ mọi hành vi phân biệt chủng tộc, nước Mỹ mới bắt đầu chính sách bình đẳng cho mọi chủng tộc.
Tuy vậy, do bị đối xử phân biệt lâu dài, người Mỹ gốc Phi vẫn phải đối đầu với nhiều vấn đề. Do trước kia không được đi học, không được làm những công việc quan trọng đã lâu, nên cộng đồng gốc Phi phải chiến đấu lại đói nghèo để tiến lên. Đói nghèo thì sinh đạo tặc, nên nhiều người gốc Phi lại lâm vào cảnh tù tội.
Chính vì vậy nên các nhà tù có khá nhiều người gốc Phi. Một phần do hoàn cảnh, phần khác là do họ bị oan. Cảnh sát nhiều khi đi tuần ở những khu nhiều người da đen và cứ bắt bừa. Đó là sự thật đáng tiếc. Tôi đã từng làm việc ở phòng luật sư bảo vệ tội phạm nên thấy rõ những bất công mà người gốc Phi phải chịu đựng.
Trở lại câu chuyện của Michael Brown, chàng thanh niên 18 tuổi bị bắn chết hai ngày trước ngày nhập học đại học. Một điều rõ ràng là cậu ta không cầm vũ khí khi bị bắn chết và đã giơ hai tay lên trời. Theo luật Mỹ, cảnh sát chỉ được dùng vũ lực giết người khi họ e sợ cho tính mạng của mình.
Tuy vậy, luật này gần như ít khi được áp dụng khi cảnh sát đang thực thi luật pháp. Hậu quả là khá nhiều người bị bắn chết khi cảnh sát làm nhiệm vụ.
Ở thành phố nơi tôi sống, một gia đình người Việt có đứa con bị tâm thần. Khi người con lên cơn, anh ta cầm dao đe dọa cả nhà. Gia đình bỏ chạy tán loạn và gọi cảnh sát. Chỉ biết rằng khi cảnh sát tới thì anh ta cũng bị bắn chết. Khổ nỗi, anh ta cầm dao và cảnh sát có đủ lý do để bắn vì cảm thấy bị đe doạ tới tính mạng.
Bạo lực của cảnh sát là một vấn đề nhức nhối nhiều năm tại Mỹ. Lý do là người Mỹ được tự do sở hữu súng và cảnh sát lúc nào cũng nơm nớp với ý nghĩ là nếu mình không kịp ra tay thì nguy cơ bị bắn là rất lớn. Đối với các nam giới người gốc Phi, vốn luôn bị xem là thành phần nguy hiểm, thì nguy cơ bị cảnh sát bắn càng cao hơn nhiều.
Nhiều người gốc Phi thành công rực rỡ trên mọi lĩnh vực kinh tế xã hội của Mỹ, mà tổng thống Obama là một ví dụ tiêu biểu. Bản thân tôi cũng quen biết nhiều người gốc Phi, thành công có, bình thường có, và tôi thấy họ cũng như mọi người. Chỉ có điều là, do màu da tối mà họ bị xem là nguy hiểm hơn bình thường.
Tổng thống Obama đã từng nói: "Là một người đàn ông da đen, tôi biết rõ cảm giác khi một người phụ nữ gặp tôi đi trên đường vắng một mình thì vội vàng rẽ sang ngả khác". Đấy là chuyện xảy ra khi ông còn vô danh, nhưng đó là thực tế mà mọi người đàn ông da đen phải trải qua. Phụ nữ da đen thì có khá hơn một chút, nhưng đó chỉ là vì xã hội vốn không xem phụ nữ là đối tượng hay sử dụng bạo lực.
Cái chết của Michael Brown một lần nữa cho thấy rằng sự căng thẳng sắc tộc giữa người da đen và da trắng trên đất Mỹ. Đây là một câu chuyên kéo dài vài thế kỉ, và những gì diễn ra ngày hôm nay chỉ là tập tiếp theo trong câu chuyện mà thôi.
Chắc chắn là nước Mỹ cũng có nhiều vấn đề, và người Mỹ phải tự giải quyết lấy các vấn đề đó. Cuộc sống không phải lúc nào cũng màu hồng, và một đất nước hùng mạnh cũng có lắm điều nan giải.
>> Xem thêm: Vì sao luật sư lại biện hộ cho tội phạm
Chính phủ Mỹ đóng cửa: Quốc hội mãi 'không lớn nổi' "Tôi thuộc đảng Dân chủ và đã hai lần bỏ phiếu cho ông Obama, nên tôi có chút thiên vị đối với đảng Dân chủ". |
Chia sẻ bài viết của bạn về đời sống, xã hội tại đây.