Có hai con gái đã lớn, cố sinh lần thứ ba mới được quý tử nên cả gia đình chị Nhi, từ ông bà, bố mẹ, đến các chị đều vô cùng cưng chiều bé út. Từ lúc lọt lòng, cậu nhóc đã luôn được chuyền tay bồng bế, khóc một tiếng là có người nựng ngay. Mỗi bữa ăn của bé, cả nhà phải cùng dỗ dành, làm trò. Tới 2 tuổi rưỡi cu cậu vẫn chưa nói được dù người lớn nói gì đều tỏ ra hiểu hết.
"Bé đòi gì thì phải bằng được, mỗi tội không chịu nói, ăn vạ thành thần, muốn gì không theo ý là lăn đùng ra dù đang ở trong nhà hay ngoài đường... Cả nhà ai cũng sợ nó khóc. Nó cũng khôn lắm nên tận dụng võ này liên tục", chị Nhi kể.
Theo thạc sĩ Phạm Đức Chuẩn, Trung tâm nghiên cứu tâm lý trẻ em NT (Hà Nội), trẻ được chiều chuộng và đáp ứng hết các nhu cầu chính là một trong những nguyên nhân cơ bản của chậm nói. Trẻ chỉ cần ú ớ một tiếng hoặc lăn ra khóc... là được chiều, có được cái mình muốn nên chẳng cần phải nói nữa. Lần sau cần gì, muốn gì, trẻ lại lăn ra khóc và việc này lặp đi lặp lại nhiều sẽ làm thui chột khả năng ngôn ngữ của trẻ. Không những thế, điều này còn kéo theo một loạt hệ lụy khác như trẻ sẽ khó hòa nhập: ra ngoài xã hội, ở lớp, chơi với bạn... nếu khóc hay lăn ra ăn vạ để được cái mình muốn thì không ai chấp nhận được. Cứ như vậy, trẻ sẽ khép kín, thu mình, không muốn đi học, không muốn ra ngoài xã hội nữa...
Bên cạnh cưng chiều quá mức, đáp ứng hết các nhu cầu của trẻ, việc giữ con thái quá, không cho trẻ ra đường sợ tai nạn, không cho chơi với bạn cùng lứa... cũng khiến trẻ không có môi trường để rèn luyện và phát triển ngôn ngữ.
Trường hợp con trai anh Tùng (Hà Đông, Hà Nội) là một điển hình. Có công việc thu nhập tốt nên sau khi vợ sinh cậu con trai đầu lòng, anh để chị ở nhà tập trung chăm con. Có gì tốt, xịn, vợ chồng anh đều dành cho con. Sợ con ra ngoài dễ bị lây bệnh, mẹ bé ít khi đưa con ra ngoài, cũng không muốn cho con đi mẫu giáo. Hằng ngày, bé Tôm, con anh Tùng ở nhà xem TV, máy tính bảng, chơi đồ chơi.
Cu cậu lớn lên có vẻ ngoài to béo, gương mặt sáng sủa nhưng mãi không biết nói, muốn hay đòi gì là cứ ú ớ, lấy tay chỉ chỏ, không được như ý thì lăn ra gào khóc, đập đầu vào tường. Thấy con như vậy càng xót, vợ chồng anh Tùng luôn cố đoán ý rồi đáp ứng ngay các nhu cầu của bé. Gần đây, khi bé gần 4 tuổi, lo sợ con bị bệnh chậm nói hay tự kỷ, vợ chồng anh Tùng đưa cháu đi khám.
Ở nơi khám, bé Tôm lao ầm ầm từ góc này tới góc kia, bố mẹ gọi, bảo gì cũng không nghe. Vợ anh Tùng lắc đầu ngao ngán "Đấy, cháu nó bệnh nặng lắm". Khi thấy cậu bé đổ cốc nước ra bàn, nhà tâm lý nghiêm mặt "nước để uống, không để nghịch". Thấy cậu bé có vẻ hiểu, ông tiếp lời: "Cháu có muốn xem TV không" thì cậu nhóc lắc đầu rồi nhoài về phía có chiếc máy tính. Nhà tâm lý nhanh chóng ngăn lại, nhìn vào mắt cậu bé hỏi "Cháu muốn chơi máy tính à? Cháu muốn chơi máy tính thì phải hỏi bác", cậu bé gào lên "máy tính"...
"Rõ ràng cháu bé có thể nói, thậm chí nói hai từ rõ ràng, cũng không có vấn đề gì về nhận thức. Có lẽ do quen được đáp ứng mọi thứ ngay lập tức khi chưa kịp yêu cầu, lại ít có điều kiện giao lưu nên bé mới chậm nói", nhà tâm lý chia sẻ.
Theo thạc sĩ Phạm Đức Chuẩn, nhiều phụ huynh lầm tưởng coi việc trẻ nói là chuyện tự nhiên, không cần dạy, theo kiểu trẻ sẽ tự lẫy, tự bò, tự đi... trong khi thực tế, nếu không dạy, trẻ sẽ không thể nói đúng, nói tốt được. Ngoài ra, ngày nay, một số bố mẹ ít có thời gian dành cho con: dậy nói, chuyện trò với con, cũng ảnh hưởng tới khả năng ngôn ngữ của trẻ. Ngược lại, có những người quá cầu toàn, muốn dạy trẻ nói như ông/bà cụ non, phải nói cả câu dài, hoàn chỉnh, khiến bé thấy khó, ngại nói.
"Trẻ đang trong quá trình phát triển, cần dạy dần dần, từ ít đến nhiều, nhắc đi nhắc lại...", nhà tâm lý chia sẻ.
Nhiều trẻ "chậm nói oan" do bố mẹ quá nuông chiều, sau đó gia đình quan tâm cho đi can thiệp sớm nhưng do không đúng cách, đúng chỗ, lại thành ra tiền mất tật mang nặng hơn. Thông thường, những trẻ chậm nói, ít nói kiểu này, nếu bố mẹ, người thân biết cách giúp thì các cháu sẽ phát triển tốt mà không cần phải đến các trung tâm.
Bố mẹ là người có thời gian tiếp xúc với con lâu, hiểu tính cách, sở thích, nhịp ăn, nhịp ngủ... của trẻ. Nói cách khác bố mẹ chính là chuyên gia sâu sát hầu hết mọi vấn đề của con mình nên sẽ hiểu cách làm nào phù hợp với con mình nhất. Trong khi đó, nhiều khi trẻ chỉ khó khăn một chút về ngôn ngữ, được đưa đến cơ sở nào đó, có thể trong vài phút đã bị kết luận là bệnh nặng, phải can thiệp... và sau một thời gian chữa không đúng, có thể khiến tình trạng trẻ càng tệ hơn, ông Chuẩn chia sẻ.
Theo ông, trẻ cần được đưa đi khám và can thiệp sớm nếu chậm nói kèm thêm các dấu hiệu khác như không hoặc ít phản ứng với âm thanh (tiếng động mạnh, gọi không quay lại...); không hoặc ít cảm xúc (không hoặc ít hóng chuyện, thờ ơ khi gặp bố mẹ, người thân...); dạy nhiều lần vẫn không hiểu hoặc không lặp lại được những từ, những âm đã được dạy; không biết phân biệt lạ quen, không biết nguy hiểm... Với các trường hợp chỉ chậm nói đơn thuần, bố mẹ có thể áp dụng 10 cách giúp con phát triển ngôn ngữ dưới đây:
- Bố mẹ, người thân tăng cường tiếp xúc với con: nói, kể chuyện, hát… cho con nghe và khuyến khích con lặp lại những gì được nghe, được kể.
- Không đáp ứng ngay các mong muốn của trẻ. Nên có các “bình luận” kèm theo, ví dụ: Khi con ra hiệu muốn uống nước, cần đệm lời cho con: Con muốn gì nào? Con muốn uống nước hả? Đây là cái cốc, đây là cái bình nước, rót nước vào cốc, uống nước…
- Lựa chọn những từ ngắn, đơn giản, dễ hiểu, giọng nói uyển chuyển, sinh động thu hút chú ý của trẻ, kết hợp với nét mặt, cử chỉ, điệu bộ…
- Các hoạt động luôn kèm theo lời nói: chào, ạ, hoan hô, cho, xin…
- Tìm hiểu sự quan tâm của trẻ: khi trẻ đưa mắt nhìn chiếc ô tô, một con chim… thì lặp lại tên của đồ vật ấy mỗi lần xuất hiện.
- Vừa nói một từ vừa đưa ra một đồ vật, ví dụ: Đây là con chó. Con chó kêu thế nào? (gâu gâu), con chó thích gì? (cục xương)… Nói một đồ vật trong nhiều tình huống, hoàn cảnh khác nhau thì trẻ dễ nhớ và nhớ rất lâu từ đó.
- Tập nói ít một, thời gian không nên kéo dài khiến trẻ mệt mỏi. Dạy trẻ ít một nhưng cần lặp lại, củng cố nhiều lần trong một khoảng thời gian nhất định. Khi trẻ vui vẻ, thoải mái thì dậy, khi thấy trẻ chán, mệt thì dừng lại ngay. (Nhiều bố mẹ thấy trẻ nói được hay “tham” bắt trẻ lặp lại nhiều lần hoặc trong một buổi dạy nhiều từ mới làm trẻ mệt, chán).
- Ưu tiên sử dụng ngôn ngữ trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Mục đích củng cố ngôn ngữ gắn liền với các đồ vật, hành động thường gặp.
- Không cầu toàn: Trẻ nói theo kiểu từ - câu: đi - bố đi, chào - chào mẹ, sữa - uống sữa… Trẻ sẽ nói từ ít đến nhiều, ngôn ngữ dần dần mới trở nên hoàn thiện.
- Khả năng bắt chước của trẻ rất tốt. Nếu trẻ thấy mọi người trong gia đình: chào, cảm ơn, xin lỗi, tạm biệt... thì dần dần trẻ con cũng tự nhiên bắt chước.
Vương Linh