Theo chuyên viên âm ngữ Nguyễn Thị Hòa, thời điểm những năm tháng đầu đời có vai trò quyết định đối với sự phát triển ngôn ngữ của trẻ. Ở từng giai đoạn, trẻ có những bước tiến cơ bản trong giao tiếp. Cha mẹ cần theo dõi để có sự thăm khám, can thiệp kịp thời nếu phát hiện bất thường ở trẻ.
Trẻ chậm nói có thể do cơ quan thính lực, cơ quan phát âm có vấn đề, do dị tật ở não, một số bệnh lý như hội chứng Down, trẻ có thể trạng cơ mềm nhão, động kinh thể đặc biệt. Ngoài ra, cũng có thể do nguyên nhân về tâm lý, môi trường như trẻ không được tắm mình trong môi trường ngôn ngữ (gia đình quá cưng chiều hoặc quá bận rộn, bỏ bê không nói chuyện nhiều với trẻ, trẻ xem tivi nhiều), đã xảy ra một biến cố nào đó làm ảnh hưởng đến tâm lý trẻ (thoái lùi, câm nín chọn lọc)...
Nên đưa con đi khám ngôn ngữ khi có các dấu hiệu:
- Trẻ sơ sinh không đáp ứng với âm thanh hoặc không phát ra âm thanh nào.
- Từ 12 đến 24 tháng:
Không sử dụng điệu bộ, cử chỉ (chỉ và vẫy tay bye bye khi được 12 tháng).
Thích dùng cử chỉ hơn lời nói để giao tiếp khi đến 18 tháng tuổi.
Không bắt chước được âm thanh khi đến 18 tháng tuổi.
Có khó khăn trong việc hiểu và làm theo các yêu cầu đơn giản.
- Từ 2 tuổi trở lên:
Chỉ có thể bắt chước âm thanh hoặc hành động.
Không phát âm từ hoặc các cụm từ.
Chỉ nói một số âm thanh hoặc từ nào đó lặp đi lặp lại.
Không thể sử dụng ngôn ngữ nói để giao tiếp, trò chuyện.
Không thể làm theo các chỉ dẫn đơn giản.
Có giọng nói khác thường (nghe như giọng mũi hay giọng the thé).
Khó khăn trong việc hiểu.
Nếu thấy trẻ có một trong những biểu hiện trên, trẻ cần:
- Thăm khám tâm lý để chẩn đoán nguyên nhân, có định hướng can thiệp.
- Can thiệp theo nhóm đa chức năng: bác sĩ, nhà tâm lý, nhà ngôn ngữ và giáo viên mầm non/ chuyên biệt để giúp trẻ tiến bộ.
- Vai trò của nhà ngôn ngữ: Đánh giá ngôn ngữ trẻ, xác định khả năng ngôn ngữ, thiết lập mục tiêu, lên kế hoạch can thiệp dài hạn.
Lời khuyên cha mẹ cần làm để giúp trẻ chậm nói phát triển ngôn ngữ:
- Tận dụng các tình huống thông thường để “nói” và “vừa làm vừa nói” cho trẻ nghe.
- Tạo ra những âm thanh thú vị và khuyến khích bé bắt chước như tiếng điện thoại, tiếng còi xe, tiếng gà gáy, mèo kêu, chó sủa…
- Tận dụng các tình huống đang xảy ra thích hợp giúp bé thốt ra những âm thanh biểu lộ sự vui thích, phấn khích. Khi bé chơi cầu trượt ta phát ra âm thanh của chuyển động: ạ a a á.
- Đôi khi nói với giọng du dương.
- Chơi các trò chơi tạo sự thích thú cho trẻ: chơi ú òa, chơi làm con khỉ bạnh hàm kêu khẹc khẹc đầu lắc lư khiến trẻ thích thú, chơi vỗ tay, vỗ nhẹ vào đầu kèm theo lời hát có giai điệu…
- Sử dụng cụm từ và câu đơn giản.
- Hát cho trẻ nghe (hát ru, hát trong khi chơi, trò chuyện).
- Đọc các bài đồng dao mà anh chị của trẻ hay đọc hay chơi.
- Hãy tạo những khoảng thời gian vui vẻ. Vì trẻ sẽ tiếp thu tốt nhất khi tham gia vào hoạt động một cách thích thú.
- Hãy cho trẻ chút thời gian, đợi trẻ nói lại.
- Hãy tỏ ra chăm chú và biểu lộ những cử chỉ chứng tỏ cha mẹ quan tâm những gì con nói.
- Khi nói chuyện hãy đưa thêm vào những từ mới (danh từ, tính từ) và có ý nghĩa tương tự từ trẻ đã hiểu, đừng đưa quá nhiều nhưng cũng đừng ngại vì trẻ có khả năng hiểu nhiều hơn những gì trẻ sẽ nói ra.
- Đôi khi hãy đưa trẻ đến trước gương để có thể thấy mặt bạn và mặt của trẻ như miệng và lưỡi khi nói.
- Hãy đọc truyện tranh cho trẻ nghe và chỉ cho các bức hình, hỏi trẻ một vài chi tiết giúp trẻ hiểu và học thêm được một số từ chỉ vị trí (con mèo nằm ở trên hay dưới bàn?).
Tóm lại, phụ huynh cần dành thời gian nói cho trẻ nghe tất cả những gì đang xảy ra xung quanh bé, trò chuyện thường xuyên mỗi ngày, nên hát, đọc thơ, múa rối, làm chú hề, nhảy múa tạo sự thích thú cho trẻ. Lưu ý ghi nhận sự tiến bộ của con dù rất nhỏ, khen ngợi động viên con, tạo cơ hội mọi nơi mọi lúc, tin ở con và cho con niềm tin vào cha mẹ.
Lê Phương