Nhà chức trách Mỹ hôm 11/8 cho biết Richard Russell, 29 tuổi, nhân viên mặt đất của hãng hàng không Horizon Air tại thành phố Seattle, bang Washington, là người đã đánh cắp chiếc máy bay Q400 và lao xuống đảo Ketron nằm giữa thành phố Tacoma và Olympia. Chỉ có Russell thiệt mạng trong cú đâm, chiếc Q400 bị vỡ thành nhiều mảnh và gây cháy một phần khu rừng trên đảo.
Trong quá trình bay từ sân bay Seattle-Tacoma tới khi đâm xuống đảo Ketron, chiếc Q400 luôn nằm dưới sự giám sát chặt chẽ của biên đội tiêm kích F-15C xuất phát từ căn cứ liên hợp McChord. Một phi công giấu tên đang làm nhiệm vụ trực chiến phòng không đã tiết lộ quy trình tác chiến của không quân Mỹ nhằm đối phó những trường hợp như vậy, theo Aviationist.
"Các tiêm kích đều mang theo tên lửa đối không tầm ngắn AIM-9M Sidewinder và tầm trung AIM-120B/C AMRAAM, pháo 20 mm cũng mang đủ cơ số đạn 940 viên", phi công này tiết lộ khi được hỏi liệu những tiêm kích trực chiến có được trang bị vũ khí hay không.
Trước khi ra lệnh cất cánh, Bộ chỉ huy phòng không Bắc Mỹ (NORAD) phải đánh giá mối đe dọa từ chiếc máy bay lạ, như đường bay hướng tới không phận cấm hay tín hiệu cấp cứu cho thấy nó đang bị không tặc tấn công.
Những chiếc F-15 hoặc F-16 chỉ được triển khai để bảo vệ mạng sống của người dân hoặc ngăn chặn một cuộc tấn công tiềm tàng, sau khi mọi phương án liên lạc vô tuyến với máy bay lạ đều vô hiệu. Các phi công trực chiến thường xuất phát với rất ít thông tin về mục tiêu, họ chỉ được biết đó là một phi cơ đang hoạt động trong vùng cấm.
"Nếu máy bay lạ chuyển hướng tới khu vực đông người, nó sẽ bị bắn hạ. Chỉ các sĩ quan cấp tướng tại NORAD được ra lệnh diệt mục tiêu. Nhiệm vụ đánh chặn khẩn cấp thường khá vui vẻ, khi chúng tôi có thể bay qua sa mạc với vận tốc siêu thanh và chỉ phải giám sát những phi cơ bay lạc. Tuy nhiên, phi công trực chiến có trọng trách rất nặng nề khi phải sẵn sàng bắn hạ những máy bay dân sự có khả năng gây nguy hiểm", phi công Mỹ giấu tên tiết lộ.
Sau khi phát hiện mục tiêu, biên đội trực chiến sẽ tìm cách liên lạc bằng bộ đàm để yêu cầu máy bay chuyển hướng. Trong trường hợp phi cơ lạ không hồi đáp, hai tiêm kích sẽ tách nhau, một chiếc bay phía sau để sẵn sàng khai hỏa, chiếc còn lại bay song song máy bay lạ để gây chú ý.
Chiến đấu cơ sẽ lặp lại quy trình áp sát này ba lần, trước khi thực hiện động tác cơ động cắt mặt trước mũi mục tiêu để gây chú ý. Nếu máy bay cố tình không chuyển hướng, nó sẽ bị coi là mối đe dọa và NORAD có thể ra lệnh bắn hạ ngay lập tức.
Trong vụ đánh cắp chiếc Q400 hôm 11/8, Russell không điều khiển phi cơ tới gần các khu vực đông dân cư, vẫn duy trì liên lạc thông suốt với mặt đất và cho thấy mình không có ý định khủng bố. Điều này khiến biên đội F-15C chỉ làm nhiệm vụ giám sát và không bắn hạ anh ta.
Biên đội F-15C giám sát máy bay của Russell nhiều khả năng thuộc biên chế Không đoàn tiêm kích số 104, một trong những đơn vị bảo vệ bầu trời Mỹ trước các mối đe dọa. Họ liên tục duy trì trạng thái trực sẵn sàng chiến đấu, có thể cất cánh chỉ vài phút sau khi có lệnh để kiểm tra máy bay dân dụng gặp sự cố trên không, cũng như bắn hạ các phi cơ và tên lửa hành trình tấn công lãnh thổ Mỹ.