Sau vụ khủng bố ngày 11/9 ở Mỹ, nhiều quy định an ninh buồng lái được thay đổi, nhằm hạn chế việc cướp máy bay. BBC dẫn thông tin của Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cho biết, cửa buồng lái có kết cấu vững chắc, chịu được sức nổ của lựu đạn. Chúng cũng thường xuyên được khóa trái trong suốt hành trình bay.
Hệ thống an ninh buồng lái được lập trình cho phép phi công ngoài khoang truy cập vào buồng lái. Tuy nhiên, người bên trong buồng lái có thể từ chối quyền truy cập.
Hệ thống cửa buồng lái máy bay Airbus, loại máy bay của hãng Germanwings đâm xuống núi Alps, đông nam Pháp hôm 24/3 khiến toàn bộ 150 người thiệt mạng, có ba chế độ cho phép phi công ngồi tại chỗ điều khiển là mở khóa, bình thường, và khóa trái.
Trong trường hợp bất cứ người nào trong buồng lái bị mất năng lực điều khiển máy bay, có một bảng điều khiển cho phép thành viên tổ bay nhập mã truy cập, đi vào buồng lái.
Ở chế độ "bình thường", tuy buồng lái bị khóa, nhưng vẫn truy cập được 30 giây sau khi nhập mã nếu thành viên phi hành đoàn không thấy tín hiệu phản hồi bên trong.
Chế độ "mở khóa" được sử dụng khi phi công muốn mở cửa cho đồng nghiệp quay vào buồng lái, chẳng hạn sau khi đi vệ sinh.
"Khóa trái", nghĩa là hệ thống cửa từ chối mở ngay cả khi đã nhập mã truy cập vào bảng điều khiển và duy trì trạng thái khóa cửa buồng lái trong 5 phút. Cơ chế này cho phép lặp đi lặp lại. Do đó, đây là cách dễ dàng để ngăn không tặc khống chế buồng lái sau khi cướp được mã truy cập từ thành viên tổ bay bên ngoài khoang điều khiển.
Một số máy bay có lắp đặt màn hình hiển thị báo cho phi công biết người đang đứng bên ngoài cửa buồng lái. Nếu một phi công không thể truy cập vào buồng lái, có nghĩa là đồng nghiệp bên trong đã từ chối không cho vào.
"Ở Mỹ, một tiếp viên hàng không bắt buộc phải đi vào buồng lái nếu có một phi công ra ngoài", Heather Poole, một tiếp viên hàng không người Mỹ viết.
Đó là quy định ở Mỹ. Ngược lại, theo quy định của Luật Hàng không Đức, không bắt buộc hai phi công phải có mặt ở buồng lái trong một số thời điểm và thời gian nhất định, chẳng hạn như máy bay đang ở độ cao hành trình; tuy nhiên thời gian được phép ra ngoài cực ngắn. Do đó, giao thức buồng lái trong vụ tai nạn máy bay Germanwings hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật Đức.
Một số hãng hàng không áp dụng "quy tắc hai người". Phi công được phép rời khỏi buồng lái trong thời gian dài ngắn tùy ý, và một thành viên tổ bay khác phải vào ngồi thay thế. Tuy nhiên, Lufthansa, công ty mẹ của Germanwings và một số hãng hàng không lớn khác không áp dụng quy định này.
Cơ trưởng của máy bay Đức gặp nặn đã làm việc 10 năm trong hãng và có kinh nghiệm hơn 6.000 giờ bay. Cơ phó làm việc từ năm 2013 và có 650 giờ bay. Các nhà điều tra cho rằng nhân lúc cơ trưởng ra ngoài, cơ phó Adreas Lubitz, 28 tuổi, đã chiếm kiểm soát buồng lái và chủ động phá hủy máy bay.
Không rõ liệu cơ trưởng có nhập mã để mở cửa không, và Adreas có cài chốt khóa cửa để vô hiệu hóa mã hay không.
Hồng Hạnh