ICBM R-36M2 rời giếng phóng. |
So với ưu thế nhỏ gọn và tính cơ động cao của tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) sử dụng nhiên liệu rắn, thì ICBM nhiên liệu lỏng vẫn có những ưu điểm khó có thể bỏ qua về khả năng mang vác các loại đầu đạn lớn, chi phí chế tạo đạn tên lửa, nhiên liệu rẻ và yêu cầu về kỹ thuật bảo đảm không qua phức tạp.
Chính vì những lý do trên, các thế hệ ICBM đầu tiên của Nga và Mỹ đều sử dụng nhiên liệu lỏng. Trong chiến tranh Lạnh, khi Mỹ tập trung phát triển ICBM sử dụng nhiên liệu rắn, thì Liên Xô lại phát triển song song 2 dòng ICBM với mục đích tấn công phủ đầu bằng ICBM nhiên liệu rắn và áp chế đối phương bằng ICBM nhiên liệu lỏng (chỉ ICBM loại này mới có thể mang được các đầu đạn hạt nhân cỡ lớn gây huỷ diệt diện rộng).
Đáng chú ý cho xu thế phát triển ICBM dạng này còn tồn tại tới ngày nay là dòng ICBM sử dụng nhiên liệu lỏng siêu nặng R-36M2 Voevoda (tên mã định danh NATO là SS-18 Satan). Đây là dòng ICBM vô địch thế giới về trọng lượng tên lửa khi phóng (nặng tới 211 tấn), khối lượng đầu đạn có thể mang theo (gần 9 tấn) và tầm bắn cực xa (16.000km). Với thông số trên, R-36M2 thực sự là quỷ Sa-tăng với sức huỷ diệt mà nó gây ra.
Xuất hiện để làm đối trọng răn đe với Mỹ
Trong chiến tranh Lạnh, trước việc Mỹ phát triển về cả chiều rộng và chiều sâu hệ thống ICBM sử dụng nhiên liệu rắn đặt trong boongke kiên cố khó có thể tiêu diệt bằng các loại đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ đã đặt yêu cầu đối với Liên Xô về việc phát triển thế hệ vũ khí hạt nhân răn đe làm đối trọng với ICBM Peacekeeper và Minuteman của Mỹ.
Trước yêu cầu trên, Viện thiết kế Yuzhnoie (thành phố Dnepropetrosk) dưới sự chỉ đạo của tổng công trình sư V.Utkin đã nhận yêu cầu phát triển thế hệ ICBM nhiên liệu lỏng mới thay thế tổ hợp tên lửa R-36 đã lỗi thời trong những năm 1970 và tới tháng 12-1975, các tổ hợp ICBM R-36M đầu tiên đã được triển khai với các thông số vượt trội so với R-36 như:
+ Độ chính xác tăng gấp 3 lần
+ Khả năng sẵn sàng chiến đấu tăng 4 lần
+ Năng lực tên lửa tăng 1,4 lần
+ Khả năng sống sót khi bị tấn công phủ đầu tăng 15 đến 30 lần
+ Tối ưu khối lượng thiết bị phóng tăng 2,4 lần
+ Thời gian khai thác sử dụng tăng 1,4 lần
Sự xuất hiện của R-36M/M2 đã làm cho Mỹ sửng sốt. Các chuyên gia Mỹ nhận định với sức phá huỷ của dòng ICBM này rất ít bệ phóng ICBM Peacekeeper và Minuteman có thể sống sót được sau loạt tấn công đầu tiên
Trong cơ cấu lực lượng tên lửa chiến lược của Nga, ICBM sử dụng nhiên liệu rắn là vũ khí tấn công phủ đầu thường đặt trên các bệ di động đảm bảo khả năng sống sót cao, còn ICBM nhiên liệu lỏng đặt trong giếng phóng cố định chính là cốt lõi sức mạnh để huỷ diệt đối phương trong chiến tranh hạt nhân toàn diện. Chính vì sức mạnh kinh hoàng của dòng ICBM R-36M/M2, Mỹ và NATO đã đặt mật danh của dòng tên lửa này là Sa-tăng (tên một con quỷ sức mạnh vô song trong Kinh Thánh).
Sức mạnh "vô song" của ICBM Sa-tăng
Kích thước khủng của ICBM R-36M. |
Về cơ bản, R-36M/M2 là ICBM 2 tầng phóng sử dụng nhiên liệu lỏng kết hợp giữa N2O4 và UDMH. Thiết kế động cơ và buồng chứa nhiên liệu mới cho phép ICBM Sa-tăng mang được 188 tấn nhiên liệu và khối lượng đầu đạn tới 8,8 tấn (R-36 chỉ là 5,5 tấn). Thiết kế mới cũng cho phép tên lửa lưu trữ nhiên liệu lâu hơn với việc duy trì trạng thái chiến đấu 10-15 năm trước khi cần kiểm tra và tuổi thọ có thể đạt 25 năm.
Tên lửa được R-36M2 phóng thử lần đầu vào tháng 2-1973 và được nhận vào trang bị ngày 30-12-1975. R-36M có tới 6 biến thể (từ Mod-1 tới Mod-5) với sự khác biệt chủ yếu ở trang bị đầu đạn chiến đấu. Ở phiên bản tiêu chuẩn, R-36M mang đầu đạn hạng nặng đơn nhất có sức công phá 20-25 Megatone với tầm bắn đạt 11.200km; đầu đạn đơn khối nhẹ 8 Megatone với tầm bắn 16.000km hoặc 10 đầu đạn MIRV với sức công phá mỗi đầu đạn đạt 400 Kilotone hay 10 đầu đạn hỗn hợp (4 đầu đạn 1 Megatone và 6 đầu đạn 400 Kilotone).
Sức mạnh của đầu nổ đơn khối của R-36M2 gấp 500 lần quả bom hạt nhân Mỹ ném xuống Nhật Bản năm 1945. Với sức mạnh như vậy, ngoài khả năng tiêu diệt mục tiêu khi cho nổ ở độ cao thấp, R-36M2 còn có thể sử dụng như vũ khí điện từ (EMP) khi cho nổ ở độ cao lớn tạo "sát thương" bằng sóng điện từ và bụi hạt nhân trên lãnh thổ đối phương.
Kích thước khủng của ICBM R-36M
Điểm khác biệt nữa của R-36M2 là việc sử dụng chung giếng phóng với ICBM R-36, nhưng độ sâu giếng sâu hơn để nâng cao khả năng sống sót khi bị tấn công phủ đầu.
ICBM R-36M2 sử dụng phương thức phóng thẳng đứng nguội. Đạn tên lửa được bảo quản trong thùng vận tải – phóng, lắp trong hầm phóng được nạp nhiên liệu ở trạng thái trực chiến thời gian dài. Cơ chế phóng được thực hiện hoàn toàn tự động. Các tham số quan trọng nhất của tên lửa đều được mã hoá và kiểm soát thường xuyên để tăng cường độ tin cậy khi thực hiện nhiệm vụ chiến đấu. Cơ cấu khoang bảo quản mới cho phép R-36M2 hoạt động trong bất kỳ điều kiện thời tiết.
R-36M2 tương tự như các dòng ICBM sử dụng hệ thống dẫn đường hỗn hợp tự động quán tính ở pha đầu, nhưng được hiệu chỉnh pha giữa thông qua máy tính đạn đạo kết nối với trung tâm chỉ huy mặt đất. Theo các thông tin từ phía Nga, CEP của ICBM R-36M2 vào khoảng 500m, còn theo Phương Tây, con số này là 260m (sai số quá nhỏ cho dòng vũ khí hạt nhân huỷ diệt diện).
Lực lượng tên lửa chiến lược Nga hiện còn duy trì từ 55 đến 80 bệ phóng R-36M2 và chúng sẽ tiếp tục hoạt động cho tới năm 2026.
Tại sao Mỹ lại cố gắng triển khai lá chắn tên lửa áp sát biên giới Nga?
Tất cả các dòng ICBM đều dễ tổn thương ở những pha tăng tốc đầu tiên do tên lửa phải chiến thắng trọng lực để lấy độ cao và không thể tự cơ động. Nắm bắt được yếu điểm này, Mỹ luôn tìm cách triển khai các phương tiện đánh chặn tên lửa áp sát biên giới Nga như: Tên lửa đánh chặn, laser hàng không (ABL) để tăng khả năng đánh chặn thành công.
Ngoài ra, hệ thống NMD của Mỹ cũng được thiết kế đánh chặn đầu đạn hạt nhân của đối phương khi chúng mới thoát ly khỏi tên lửa vì 2 lý do:
Thứ nhất, đầu đạn vừa thoát ly khỏi tên lửa Mỹ chưa có gia tốc rơi lớn (tốc độ vũ trụ cấp 1) nên xác suất đánh chặn cao hơn. Thứ hai, đối với đầu đạn hạt nhân việc đánh chặn đồng nghĩa với việc kích nổ nó. Việc đánh chặn cần thực hiện ở ngoài lãnh thổ nước Mỹ để tránh hậu quả về bụi phóng xạ và hiệu ứng bức xạ điện từ (sức mạnh huỷ diệt không trực tiếp, nhưng hậu quả thì có khi còn nghiêm trọng hơn cả một vụ nổ hạt nhân trên mặt đất).
Theo QĐND