Trước đó, Khối trưởng khối 8, cô Trinh, yêu cầu đội “Sao đỏ” đi kiểm tra xem những ai có tóc dài. Cuối buổi chào cờ, cô yêu cầu một số nam sinh bước lên bục. Các học sinh xếp hàng, mặt đứa nào cũng xanh mét vì chưa được nhà trường thông báo về quy định mới với tóc, cũng không biết tiêu chí thế nào được coi là có tóc dài. Không ai biết trước mình sẽ bị cắt tóc.
Cô Trinh đi lại ngang dọc như một chiến binh. Cô trực tiếp cầm kéo cắt ngang từng đuôi tóc của đám con trai đang đứng giữa sân trường, trong đó có tôi, dù đuôi tóc tôi không dài quá gáy.
“Xoẹt!”, tiếng kéo giống như tiếng cắt vào mơ ước làm nghề giáo của tôi. Nó cũng cắt đi mối tình đầu vừa chớm của tôi. Vì lúc đó, bạn gái tôi cảm mến đang ngồi phía dưới.
Tôi nhớ như in cảm giác mình là một tội phạm trước ánh mắt của hàng trăm bạn học. Tôi cảm thấy xấu hổ, nhục nhã và sợ hãi. Từ nhỏ, tôi luôn là học sinh giỏi, nếu bị nhắc tên trước toàn trường cũng để biểu dương. Cả đời đi học, đây là lần duy nhất tôi bị bêu riếu trước sân trường.
Sự việc hôm ấy đã thay đổi thái độ của tôi với trường học. Từ một học sinh ngoan, tôi trở thành một học sinh lầm lì, không phát biểu trong suốt năm học lớp 9. Và cuối năm cấp hai, tôi quyết định thi vào trường trung học chuyên nghiệp thay vì vào cấp ba. Tôi đã vất vả hơn rất nhiều để hoàn thành con đường học vấn của mình so với bạn bè.
Cô giáo Trinh chắc chắn không bao giờ biết mình đã làm thay đổi cuộc sống của một cậu học sinh giỏi thế nào. Thậm chí, tôi còn biết cô luôn tự tin mình là một cô giáo tốt. Còn trong ký ức của cậu học sinh ấy, dáng đi hơi giật giật của cô tiến đến cùng tiếng xoẹt sau tai luôn làm tôi nghẹt thở đến bây giờ.
Giờ đây, làm trong ngành giáo dục, tôi biết rằng nếu chuyện này xảy ra, học sinh hay phụ huynh có thể kiện cô giáo ấy về tội làm nhục người khác theo điều 155 của Luật Hình sự năm 2015.
Thời thế bây giờ dường như đã đảo ngược so với thập niên 80 của cậu học sinh lớp 8 là tôi. Một cậu học sinh cũng lớp 8 mới đây chỉ vì bênh bạn nữ đã bóp cổ cô giáo của mình. Hay một cô giáo phải quỳ vì áp lực của phụ huynh.
Lỗi của ai? Cô bé học sinh là nguyên nhân khiến cậu bạn bóp cổ cô giáo hay cô giáo kia đã bắt học sinh quỳ trước đó; vị phụ huynh đã bắt cô giáo quỳ hay thầy hiệu trưởng đã không quản lý việc giảng dạy của giáo viên, để xảy ra việc cô bắt học sinh quỳ? Đang có rất nhiều tranh luận quanh những sự việc như thế này. Nhưng sau tất cả những tranh luận, về lỗi tại ai, có lẽ mọi người đều đồng ý với tôi ở một điểm: những sự bạo hành trong học đường, tuyệt đối không nên xuất hiện, dù ở mức độ nào, hay là từ ai. Một khi cái “mầm” của bạo lực xuất hiện dù là từ ai, nó có thể nảy nở thành những bi kịch.
Chắc chắn là cả thầy hiệu trưởng, cô giáo đều biết rằng hành vi này vi phạm Thông tư Ban hành điều lệ trường tiểu học (khoản 1, điều 38), Luật Giáo dục (khoản 1, điều 75, chương 4). Thế nhưng tại sao sự việc bắt quỳ vẫn xảy ra? Phải chăng nó cũng giống những câu bình luận đầy tha thiết “Ngày xưa nhờ thầy phạt quỳ tôi mới nên người; Cái tát của thầy tôi khiến tôi tỉnh ra…” mà tôi đọc được về sự kiện này. Những suy nghĩ còn rơi rớt ấy có gián tiếp cổ xúy cho bạo lực học đường?
Thế còn các em học sinh bị phạt quỳ thì sao? Tôi muốn mượn lời của vị phụ huynh tạo áp lực cho cô giáo quỳ để hỏi lại. Giả sử bạn là bạn học sinh bị quỳ, hay là cậu học sinh bị cắt tóc như tôi, giả sử con bị phạt quỳ 40 phút, bạn nghĩ thế nào? Có phải giáo viên có quyền sỉ nhục người khác nhân danh mục đích giáo dục, còn người khác thì không được sỉ nhục giáo viên?
Không ai có quyền sỉ nhục ai vì bất cứ lí do gì. Tôi luôn tin như thế. Muốn có một môi trường giáo dục không bạo lực thì chính những hành vi nhuốm màu bạo hành phải được xử lý nghiêm minh theo pháp luật.
Việc nào phải ra việc đó. Quay lại hành vi phụ huynh ép cô giáo quỳ, tôi cho rằng đương nhiên hành vi của ông cần bị xử lý theo pháp luật nếu cấu thành yếu tố phạm tội.
Tuy nhiên chính cô giáo, thầy hiệu trưởng và có thể cả phòng giáo dục cũng phải bị xử lý hoặc xem xét trách nhiệm trong việc vi phạm thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Luật Giáo dục cũng như Luật Trẻ em và kể cả Luật Hình sự. Tôi cũng ủng hộ việc xem xét điều tra hành vi của cậu học sinh bóp cổ cô giáo kể cả việc áp dụng Luật Hình sự. Người trên 14 tuổi đã phải chịu trách nhiệm hình sự.
Năm 2006, tôi sang Thụy Điển và phỏng vấn một thanh niên về việc bạn đã được tuyên truyền phòng chống trừng phạt thân thể và tinh thần như thế nào. Thanh niên đó trố mắt nhìn tôi rồi cũng trả lời: “Chúng tôi được học điều đó từ khi là trẻ nhỏ. Chúng tôi đều biết rằng không ai có quyền sỉ nhục ai, không ai có quyền gây bạo lực cho ai.”
Tôi mong sớm thôi, nếu còn có giáo viên bắt quỳ, một học sinh Việt Nam sẽ dõng dạc đứng dậy: “Thưa cô, cô không có quyền phạt chúng em quỳ. Điều này là phạm pháp".
Trần Ban Hùng