Bộ Kế hoạch & Đầu tư đang trình các cơ quan chức năng chương trình khôi phục kinh tế, trong đó có đề xuất về gói phục hồi kinh tế. Chia sẻ với VnExpress, nhiều chuyên gia kinh tế thông tin, quy mô gói này có thể lên tới 800.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng tổ tư vấn Thủ tướng, người tham gia góp ý vào chương trình phục hồi kinh tế, nói chiều 2/11: "Độ lớn của gói chưa chốt nhưng chắc chắn sẽ lớn hơn tổng mức đầu tư công hàng năm đang thực hiện. Và không phải sẽ giải ngân hết trong năm 2022 mà sẽ có lộ trình. Dự kiến tuần sau Quốc hội thảo luận về chương trình phục hồi kinh tế này".
Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư, giải ngân đầu tư công thực hiện năm 2020 là hơn 466.000 tỷ đồng. Còn tổng mức vốn ngân sách dự kiến cho kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 2,87 triệu tỷ đồng, tức bình quân khoảng 574.000 tỷ đồng mỗi năm. Như vậy, gói quy mô hỗ trợ mà Chính phủ đang bàn thảo, ít nhất khoảng nửa triệu tỷ đồng.
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, cơ quan là đầu mối tham gia soạn thảo, hiện từ chối cung cấp chi tiết quy mô của gói kích thích này.
Là người trực tiếp góp ý vào dự thảo phục hồi kinh tế lần này, ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng, nếu tổng quy mô gói phục hồi kinh tế tới 800.000 tỷ đồng (hơn 35 tỷ USD) sẽ đóng vai trò vốn mồi trong đầu tư công, kích thích tăng trưởng, tạo việc làm... Một đồng vốn bỏ ra có thể huy động 4-5 lần đồng vốn khác trong nền kinh tế cùng tham gia. Nếu huy động được gấp bốn lần, nền kinh tế sẽ có khoảng 4 triệu tỷ đồng để hỗ trợ trong 4-5 năm tới.
"Vậy mỗi năm chúng ta sẽ có khoản vốn cực lớn khoảng 1 triệu tỷ đồng, tương đương khoản thu ngân sách là 1,3 triệu tỷ đồng, để đầu tư", ông Kiên nói.
Bàn về quy mô gói phục hồi kinh tế lần này, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, cho rằng cần rà soát lại mức thực chi các gói hỗ trợ để có số liệu tổng thể gói kích thích kinh tế chuẩn xác hơn.
Ông ví dụ gói hỗ trợ giãn, hoãn tiền thuế, phí khoảng 100.000-200.000 tỷ đồng từ năm 2020 đến nay được nhà chức trách đưa ra, nhưng thực tế doanh nghiệp tiếp cận không hết quy mô gói được công bố. Lý do là chính sách hoãn, giãn nên tới cuối kỳ tài chính các doanh nghiệp vẫn phải hoàn trả lại vào ngân sách. "Việc huy động nguồn lực nên tính trên số liệu thực chi để sát thực tế hơn", ông nói.
Theo một dự thảo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư vào cuối tháng 10, năm 2021, Chính phủ đã nỗ lực huy động mọi nguồn lực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn của dịch bệnh nhưng quy mô các chính sách hỗ trợ còn tương đối thấp (năm 2021 ước khoảng 10,5 tỷ USD, tương đương 2,85% GDP).
Các gói này, theo đánh giá, chủ yếu tác động về phía cung, chưa thực sự hỗ trợ mạnh mẽ cho người dân, doanh nghiệp; chưa có giải pháp tổng thể cùng với nguồn lực để thúc đẩy phục hồi đồng bộ cả về phía cung và cầu của nền kinh tế.
Chương trình phục hồi kinh tế tổng thể sẽ gồm 4 chương trình thành phần: mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch Covid-19; chương trình an sinh xã hội và việc làm; phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Cuối cùng là chương trình phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển.
Anh Minh - Đức Minh