Thông tin được ông Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng ban Thực hiện chính sách, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, nói tại hội thảo lấy ý kiến về quy định trợ cấp một lần trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, ngày 11/8.
Theo quy định, phần đóng góp vào quỹ hưu trí, tử tuất chiếm 22% tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH, trong đó người lao động đóng 8%, doanh nghiệp đóng 14%. Như vậy, trong một năm số tiền quỹ nhận được tương đương 2,64 tháng lương. Tuy nhiên, khi rút một lần, người lao động chỉ nhận lại được hai tháng, tức mất 0,64 tháng.
Bên cạnh đó, khi trả trợ cấp một lần, quỹ chỉ giải quyết một lần. Trái ngược với chi trả lương hưu phải thực hiện hàng tháng, quỹ phải lo luôn bảo hiểm y tế cho người hưởng lương hưu. Khi họ qua đời, quỹ chi trả chế độ tử tuất.
Trước đó, các nghiên cứu của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) chỉ ra hầu hết lao động rút BHXH một lần sẽ tiêu sạch số tiền trong vòng ba năm. Trong khi những người ở lại hệ thống, tổng số tiền được hưởng qua chi trả lương hưu luôn cao hơn 15-20% số tiền nhận một lần.
Hiện kết dư Quỹ BHXH đạt gần 1,2 triệu tỷ đồng, gấp 175 lần năm 1998, gấp 2,1 lần năm 2016. Trong đó, quỹ hưu trí, tử tuất có số thu luôn vượt chi. Đến hết năm 2020, quỹ này kết dư hơn 794.000 tỷ đồng, trong ngắn hạn đảm bảo cân đối.
"Nếu nhìn dưới góc độ tài chính, quỹ hưu trí, tử tuất được lợi khi lao động nhận trợ cấp một lần nhưng không ai muốn nhận cái lợi đó", ông Thọ nói. Mục tiêu cuối cùng của BHXH là đảm bảo an sinh cho lao động khi hết tuổi làm việc nên chính sách phải tìm cách hạn chế rút một lần.
Tuy nhiên, ông Bùi Văn Tú, làm công tác bảo hiểm Công ty may Song Ngọc (quận Bình Tân), nói rằng chính việc hạn chế rút một lần đã phần nào tạo nên tâm lý lao động muốn rút tiền ra khỏi quỹ.
Ông Tú ví dụ một số người muốn rút bảo hiểm phải đi từ 3 đến 4 giờ xếp hàng, tới lui mấy lần để bổ sung hồ sơ, thủ tục hành chính khó khăn. Họ cảm thấy rất khó khăn mới lấy được khoản tiền đóng vào nên nảy sinh tâm lý "chắc quỹ hết tiền nên tìm cách chặn lại".
"Người này đồn người kia quỹ sắp vỡ nên rủ nhau nghỉ việc để rút", ông Tú nói. Những thông tin hữu ích như quỹ bảo hiểm xã hội an toàn, kết dư lớn, hưởng lương hưu có lợi lại không được lan truyền nhanh như các thông tin quỹ hết tiền, sắp tới sẽ mất quyền lợi vì không được rút khiến lao động hoang mang.
Ông Trần Thanh Sơn, Chủ tịch công đoàn Công ty may Song Ngọc, cho rằng cần nhìn nhận lại lý do khó khăn nên phải rút BHXH của người lao động. Trước khi đến hội thảo để góp ý kiến, ông đã khảo sát lý do những công nhân từng nghỉ việc để nhận trợ cấp một lần, 90% dùng để mua xe, điện thoại...
"Đó không phải là khó khăn cấp bách", ông Sơn nói và cho rằng chính sách BHXH để xây dựng nền tảng an sinh cho xã hội, nếu mất nền tảng sẽ rất nguy.
Tương tự, ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch công đoàn Công ty Taekwang Vina (Đồng Nai), nói rằng các lý do thường được lao động nêu ra khi rút BHXH là mất việc, thiếu vốn làm ăn, cần tiền mua sắm. Tuy nhiên, ông Phúc cho rằng đó là các vấn đề của xã hội và cần các chính sách giải quyết tổng thể bằng chính sách việc làm, tài chính chứ không thể giải quyết bằng cách cho rút một lần.
Qua lấy ý kiến 31.000 công nhân nhà máy Taekwang Vina, công đoàn thấy hầu hết mong muốn sau này được hưởng lương hưu. Tuy nhiên, phải nhìn vào thực tế khoảng 10 năm đầu Việt Nam thực hiện chính sách BHXH, mức lương tối thiểu để làm căn cứ đóng rất thấp. Khi tính lương hưu lại dựa vào cả quá trình nhưng hệ số bù trượt giá chưa bù đắp được nên số tiền lao động nhận được khá thấp.
"Nếu quỹ kết dư lớn, ổn định cần tính toán hệ số bù đắp cho thỏa đáng để đồng tiền của người lao động không bị mất giá sau mấy chục năm", ông Phúc nói.
Ông Đặng Thuần Phong, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội, cho rằng muốn khuyến khích lao động ở lại với hệ thống cần tăng quyền lợi của người hưởng lương hưu và giảm lợi ích nhóm rút một lần.
Hiện, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi thêm nhiều quyền lợi như hạ năm đóng tối thiểu, bổ sung chế độ cho một số nhóm tham gia bắt buộc. Tuy nhiên, nhiều ý kiến chỉ ra những bất cập giữa nhóm theo đuổi lương hưu và rút một lần. Theo ông Phong, chính sách phải thiết kế phù hợp để lao động thấy hấp dẫn ở lại.
"Quỹ kết dư cả triệu tỷ đồng nhưng quyền lợi người lao động không đảm bảo thì kết dư không có ý nghĩa", ông Phong nói. Tuy nhiên, ông cho rằng phía người lao động cũng phải nhìn nhận lại khi làm việc thỏa thuận với chủ doanh nghiệp đóng bảo hiểm mức lương thấp khi về già thì không thể đòi hỏi lương cao.
Phó chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội cho rằng có hai nhóm rút một lần đó là người thực sự khó khăn và nhóm lạm dụng "luật cho rút nên rút". Chính sách cần thiết phải chặn nhóm thứ hai và có sự hỗ trợ, nâng đỡ nhóm thứ nhất bằng chính sách cho vay lãi suất thấp từ các nguồn tài chính khác.
Lê Tuyết