Quy hoạch hai bờ sông Hương từ đồi Vọng Cảnh về phố cổ Bao Vinh với chiều dài khoảng 15 km vừa được phê duyệt. VnExpress phỏng vấn ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế, về quy hoạch này.
- Thưa ông, sự cần thiết của quy hoạch hai bờ sông Hương như thế nào và vì sao đến nay Thừa Thiên Huế mới phê duyệt quy hoạch này?
- Sông Hương là dòng sông đẹp, đóng vai trò trục xương sống, gắn kết hai bờ Nam - Bắc của thành phố Huế. Trong quá khứ, đây là trục giao thông chính để lưu thông, vận chuyển người và hàng hóa. Thời kỳ hiện đại, sông Hương trở thành tuyến du lịch đường thủy, kết nối hầu hết hệ thống di sản kiến trúc của TP Huế, bao gồm lăng tẩm của các vị vua Triều Nguyễn, chùa Thiên Mụ, điện Hòn Chén, khu nhà vườn Kim Long, Vỹ Dạ, phố cổ Gia Hội, Bao Vinh. Du lịch bằng thuyền trên sông Hương là một trải nghiệm gần như không thể thiếu khi đến Huế.
Với những lý do đó, việc quy hoạch sông Hương là rất cần thiết để quản lý nghiêm ngặt, đem lại lợi ích cho người dân. Đặc biệt là chống sự lấn chiếm, phát triển những công trình không phù hợp ảnh hưởng tầm nhìn hai bờ sông.
Từ năm 2009, Thừa Thiên Huế đã định hướng quy hoạch sông Hương làm trục kết nối các di sản từ cửa biển Thuận An đến Lăng Gia Long và được tiếp tục nghiên cứu trong quy hoạch chung TP Huế năm 2014, bổ sung các giải pháp kết nối với hệ thống thủy đạo Kinh thành.
Việc quy hoạch cần thời gian nghiên cứu lâu dài để đánh giá được sự phù hợp và đưa ra các giải pháp tốt phát huy vai trò của sông Hương. Tỉnh phải nhờ các nhà tư vấn của nước ngoài, cụ thể là tổ chức KOICA, Hàn Quốc để lập quy hoạch này.
- Điểm nổi bật trong quy hoạch hai bờ sông Hương lần này là gì, thưa ông?
- Sông Hương có vị trí đặc thù trong việc bảo tồn cảnh quan đô thị Huế nên việc phát huy vai trò dòng sông rất quan trọng. Quan điểm của tỉnh ngày càng theo chiều hướng mở rộng không gian công cộng hai bờ sông Hương để người dân thụ hưởng, bảo đảm môi trường cảnh quan, tôn vinh vẻ đẹp dòng sông Hương.
Mỗi tác động đến hai bờ sông Hương, kể cả liên quan bố trí cây xanh, bờ kè, các thiết chế văn hóa đều được cân nhắc rất kỹ lưỡng.
Trước quy hoạch này, có rất nhiều đề án khác nhau về hai bờ sông Hương, mỗi thời kỳ có các quan điểm khác nhau. Nhưng theo thời gian, quan điểm quy hoạch sông Hương từ tận dụng không gian để làm dịch vụ đã chuyển sang phát triển không gian công cộng. Như cồn Dã Viên trước đây quy hoạch làm cơ sở lưu trú nay chuyển sang làm không gian công cộng. Hay như đồi Vọng Cảnh trước quy hoạch có ý đồ làm khu du lịch nay quy hoạch làm công viên cho người dân thụ hưởng, xứng đáng với đô thị di sản.
- Quá trình chuyển quan điểm từ làm dịch vụ sang phát triển không gian công cộng, đơn cử với cồn Dã Viên, diễn ra như thế nào, thưa ông?
- Cồn Dã Viên và cồn Hến là hai thực thể có yếu tố văn hóa, lịch sử gắn với cảnh quan sông Hương nói riêng và cấu trúc đô thị Huế nói chung. Năm 2008, tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng khu vực cồn Dã Viên, trong đó có định hướng bố trí du lịch, nghĩ dưỡng có tính chất lưu trú cao cấp. Lúc này, việc xem xét cồn Dã Viên trong mối quan hệ giữa toàn bộ khu vực lân cận và cảnh quan bờ sông Hương vẫn chưa có định hướng cụ thể để phân bổ các chức năng sử dụng hợp lý cho từng khu vực.
Tuy nhiên, sau đó tỉnh đã tổ chức rà soát, đánh giá tổng thể toàn bộ khu vực này trong đồ án quy hoạch chung khu vực cảnh quan hai bờ sông Hương, từ cửa biển Thuận An đến lăng Gia Long. Kết quả đã có sự nghiên cứu, định hướng rõ ràng, theo đó xác định cồn Hến dự kiến hình thành khu du lịch dịch vụ chất lượng cao; còn cồn Dã Viên hình thành một khu công viên cây xanh kết hợp dịch vụ văn hóa.
Trên cơ sở đó, tỉnh đã tiếp tục chỉ đạo cập nhật định hướng này trong đồ án quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương, với mục tiêu khai thác cồn Dã Viên để hình thành khu công viên văn hóa nhằm đảm bảo tính cộng đồng và góp phần bảo tồn những giá trị cảnh quan đẹp và độc đáo. Đặc biệt là vườn thiên niên kỷ, nơi những cánh chim về, để phát huy hơn nữa giá trị sinh thái, cảnh quan thiên nhiên hiện có ngay tại vùng lõi trung tâm đô thị.
Bên cạnh đó, tỉnh tiến tới phục hồi vườn thượng uyển hoàng gia của triều Nguyễn, tái sử dụng nhà máy nước và tháp nước vốn có để sử dụng như một công trình giáo dục văn hoá mang hình thức trải nghiệm.
- Khu vực Cồn Hến được quy hoạch làm khu du lịch cấp cao từ năm 1998 song đến nay vẫn dang dở. Kế hoạch của tỉnh với cồn Hến lần này ra sao?
- Cồn Hến theo quy hoạch sẽ phát triển thành khu du lịch đặc trưng tiêu biểu của TP Huế. Tuy nhiên, thực tế khu vực này hiện nay tồn tại khu vực dân cư khá đông đúc, trong khi đó các cơ sở hạ tầng, thiết chế xã hội phục vụ cho bà con chỉ được cải tạo, sửa chữa để duy trì hoạt động như cầu Phú Lưu, trường mầm non Phú Lưu, điểm sinh hoạt văn hóa...
Quan điểm của tỉnh trong giai đoạn hiện nay vẫn định hướng thực hiện cồn Hến theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt, hình thành khu du lịch đặc trưng của TP Huế, nơi tập trung các chức năng văn hóa du lịch cao cấp cao; sớm chỉnh trang và ổn định cuộc sống người dân ở trên cồn.
Hiện nay, trong bối cảnh dịch Covid 19 ảnh hưởng sâu rộng, việc thực hiện dự án đầu tư tại cồn Hến sẽ tiến hành từng bước phù hợp. Chúng tôi xác định kêu gọi các nhà đầu tư có tư duy lớn, năng lực và kinh nghiệm tốt để đảm bảo việc đầu tư dự án hiệu quả.
- Với quan điểm "vì sự thụ hưởng của người dân", Thừa Thiên Huế sẽ làm gì để tránh tình trạng "đập di sản làm nhà cao tầng" trong quá trình triển khai quy hoạch?
- Chúng ta đang ngày càng cảm nhận được giá trị di sản Huế, đặc biệt là di sản vật thể, di sản cảnh quan. Thừa Thiên Huế xác định việc bảo tồn các di sản đang có ở Huế là vô cùng quan trọng, lâu dài. Việc quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương cũng sẽ góp phần thúc đẩy, bảo vệ các di sản mà Huế đang có, trong đó có cảnh quan môi trường.
Quy hoạch sông Hương không có chuyện "đập di sản để làm nhà cao tầng" và để tránh tình trạng này thì cần phải tuân thủ quy hoạch; từng bước giải tỏa, đưa các công trình không phù hợp ra khỏi quy hoạch; đồng thời giám sát được tình trạng môi trường sông Hương, xây dựng các công viên đặc trưng cho đô thi thị Huế kết hợp với dòng sông.
Với mục tiêu phát triển không gian công cộng hai bờ sông Hương, thời gian qua, tỉnh đã tập trung nguồn lực từng bước đầu tư chỉnh trang hệ thống công viên dọc hai bên sông từ chợ Đông Ba đến chùa Thiên Mụ, bước đầu hình thành các không gian phục vụ cộng đồng, được người dân đón nhận tích cực.
Tới đây tỉnh tiếp tục triển khai các dự án như mở rộng đường Bùi Thị Xuân, đường dọc bờ sông Hương từ cầu Ga đến Lương Quán; dự án không gian Huế - Sài Gòn – Hà Nội tại phía bắc cồn Dã Viên, kêu gọi và khai thác có hiệu quả giá trị cảnh quan khu vực Thủy Biều.
Chúng tôi sẽ tổ chức cải tạo, chỉnh trang cảnh quan hai bên bờ sông, tập trung vào các khu công viên và các công trình công cộng tại khu vực trung tâm thành phố, tăng cường giải pháp chiếu sáng cảnh quan, chiếu sáng nghệ thuật; tạo nên vẻ đẹp đặc trưng của sông Hương cả ban ngày lẫn ban đêm.
- Tới đây Thừa Thiên Huế sẽ kiện toàn lãnh đạo. Ông kỳ vọng người kế nhiệm mình làm gì để thực hiện được "giấc mơ Huế"?
- Trong nhiệm kỳ vừa qua, tỉnh đã đầu tư có trọng điểm như các dự án di dời dân cư khu vực I khu Kinh thành Huế; xây dựng khu định cư mới tại phường Hương Sơ; dự án chỉnh trang công viên dọc hai bờ sông Hương, chỉnh trang đồi Vọng Cảnh; dự án kè chống sạt lở bờ sông Hương; mở rộng đường Hà Nội, chỉnh trang đường Lê Lợi, chỉnh trang 4 tuyến đường xung quanh Hoàng Thành...
Các dự án trên nằm trong định hướng xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó đô thị Huế phải phát triển theo hướng bền vững dựa trên thế mạnh đặc trưng là di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên và thân thiện môi trường.
Do vậy, tôi kỳ vọng trong nhiệm kỳ tới, thế hệ lãnh đạo mới của tỉnh sẽ tiếp tục phát huy và xây dựng Thừa Thiên Huế luôn xuyên suốt một mục tiêu: Nâng cao chất lượng đời sống người dân, chất lượng đô thị và bảo tồn các giá trị của di sản văn hóa.
Chiến lược phát triển đúng đắn cùng các chính sách phù hợp sẽ giúp Thừa Thiên Huế vững vàng bước tới mục tiêu trở thành một đô thị di sản đặc biệt, thành phố di sản cấp quốc gia đầu tiên của Việt Nam.
Võ Thạnh