- Để phát triển du lịch sinh thái xanh, Cát Bà cần lộ trình như thế nào thưa ông?
- Cát Bà có nhiều lợi thế để phát triển du lịch xanh, tuy nhiên mục tiêu cuối cùng vẫn là phát triển bền vững. Đầu tiên là công tác quy hoạch, hạ tầng; tiếp đó là phát triển sản phẩm dịch vụ, khai thác bảo vệ môi trường.
Theo Quy hoạch thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đảo Cát Bà là một phần của di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà, được UNESCO công nhận nên trong quy hoạch đầu tư phát triển phải chú trọng gìn giữ giá trị của di sản tự nhiên. Triết lý trong đầu tư phát triển đảo Cát Bà là tuân thủ nguyên tắc phát triển bền vững, quy hoạch phải lấy triết lý xanh làm chủ đạo. Theo đó, áp dụng các mô hình tăng trưởng xanh, mô hình kinh tế tuần hoàn để định hướng quá trình đầu tư phát triển các khu du lịch, điểm du lịch, các cơ sở dịch vụ du lịch...
Sau khâu quy hoạch, đầu tư hạ tầng phải đi trước một bước, đảm bảo xanh đối với giao thông, hệ thống xử lý nước thải, chất thải, năng lượng, nước sạch, bưu chính, viễn thông... Tất cả cần tuân nguyên tắc phát triển bền vững để tôn các giá trị tự nhiên của hòn đảo và không ảnh hưởng đến tài nguyên môi trường. Khi có hạ tầng xanh, chúng ta có thể đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, sản phẩm dịch vụ để thu hút khách.
Ngoài ra, trách nhiệm cộng đồng là chung tay gìn giữ, tôn trọng tài nguyên cũng như bảo vệ môi trường. Bên cạnh chính quyền, sự tham gia của các doanh nghiệp lớn, cộng đồng doanh nghiệp, kể cả người dân sinh sống trên đảo và khách du lịch đều cần nhận thức đầy đủ và tuân thủ yêu cầu, nguyên tắc trong phát triển xanh và bền vững tại đây.
- Lộ trình phát triển cần đảm bảo những yếu tố nào?
- Bảo vệ môi trường, xử lý ô nhiễm không chỉ là vấn đề riêng của Cát Bà mà là vấn đề chung của nhiều nơi, đặc biệt là các khu vực ven biển và hải đảo. Do đó, ngay từ đầu đã phải chú trọng đến công tác quy hoạch, trong đó có quy hoạch hệ thống hạ tầng, sau đó mới bắt đầu phát triển các sản phẩm dịch vụ.
Tuy nhiên, thực tế, vì nhiều lý do khó khăn, hạn chế nguồn lực nên có tình trạng hạ tầng chưa hoàn thiện đã đầu tư dịch vụ, dẫn đến vấn đề ô nhiễm, xử lý nước thải, chất thải...
Trong xu hướng khách du lịch quan tâm đến môi trường thì giữ được hòn đảo xanh, sạch đẹp, thân thiện môi trường là yếu tố quan trọng. Xử lý nước thải, chất thải của Cát Bà hiện nay là vấn đề lớn, đòi hỏi chính quyền phải vào cuộc cùng doanh nghiệp xây dựng hệ thống hạ tầng, xử lý nước thải, chất thải đồng bộ, áp dụng công nghệ hiện đại, không để nước thải, chất thải xả trực tiếp ra môi trường. Các doanh nghiệp lớn cần tiên phong dẫn dắt các doanh nghiệp khác trên đảo kể cả người dân, định hướng cho người dân trong việc tuân thủ các yêu cầu, nguyên tắc trong quy định về xử lý rác thải, chất thải.
Bảo vệ môi trường là vấn đề cần ưu tiên hàng đầu đối với hòn đảo và vì vậy chính quyền phải vào cuộc, kêu gọi nâng cao nhận thức của người dân, khách du lịch trong việc tuân thủ quy định bảo vệ tài nguyên môi trường.
- Sinh thái xanh vừa là lợi thế, tiền đề, vừa là hướng đi để phát triển du lịch bền vững cho đảo Cát Bà, vậy chính quyền, nhà đầu tư, cộng đồng cần làm gì?
- Thứ nhất, phải nâng cao nhận thức, vì nhận thức đúng mới hành động đúng. Thứ hai, phải thực thi nghiêm chỉnh pháp luật liên quan đến bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường như Luật Bảo vệ môi trường, Luật Di sản và các quy định pháp luật khác về bảo vệ tài nguyên, môi trường, đa dạng sinh học.
Khi mọi người đã có nhận thức thì phải phân định rõ trách nhiệm cho chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp, người dân và kể cả khách du lịch. Nếu đi du lịch trên đảo mà không tuân thủ nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường thì du khách phải chấp nhận hình phạt. Một bên là nâng cao nhận thức, khuyến khích người dân nhưng bên cạnh đó phải có biện pháp xử lý nghiêm minh với hành vi xâm hại đến tài nguyên, môi trường, cảnh quan.
Mặt khác, các bên cùng chung tay thực hiện vai trò, trách nhiệm và đề cao ý thức tự giác của tất cả mọi người
- Sun Group vừa khởi công dự án khu du lịch, dịch vụ thương mại vịnh trung tâm Cát Bà. Ông đánh giá như thế nào về dự án?
- Dự án của Sun Group hướng đến việc biến Cát Bà trở thành một "tiểu Maldives của châu Á". Maldives vốn là một quốc đảo điển hình về phát triển bền vững, với tham vọng đến năm 2030 trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới không khí thải carbon. Mục tiêu của Sun Group với dự án tại Cát Bà cũng tương tự như vậy.
Việc đưa mô hình của Maldives về đảo Cát Bà và mang đến những sản phẩm đẳng cấp dựa trên giá trị nền tảng xanh và bền vững là hướng đi phù hợp xu thế, được kỳ vọng sẽ tạo dấu ấn mới trong phát triển du lịch bền vững, không chỉ cho Hải Phòng mà cho cả vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Các sản phẩm du lịch hoàn thiện không chỉ được du khách đón nhận, mà còn mang lại hiệu quả lâu dài cho doanh nghiệp, địa phương và cả ngành du lịch Việt Nam.
- Theo ông, các nhà đầu tư có tiềm lực, kinh nghiệm giúp ích gì cho du lịch Cát Bà?
- Du lịch đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn, đặc biệt là vai trò của những doanh nghiệp dẫn dắt, có quy mô, tiềm lực về tài chính, kinh nghiệm, đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp... để đón đầu xu hướng và thị hiếu của khách du lịch.
Đối với Sun Group, nhà đầu tư có thể giúp khai thác các tiềm năng một cách bài bản, đưa Cát Bà nói riêng và Hải Phòng nói chung trở thành một trong những điểm du lịch xanh mới. Để làm được điều đó, chủ đầu tư phải tuân thủ đầy đủ nguyên tắc phát triển bền vững, đồng thời đóng vai trò định hình hướng.
Tuệ Anh