Trong số các đề án này có dự án Trấn Sông Hồng, được nhà đầu tư Singapore đề xuất vào năm 1994, xây dựng tại mảnh đất ngoài đê khu vực An Dương, tổng vốn đầu tư dự kiến 240 tỷ đồng. Sau đó do một số vướng mắc, nhất là vấn đề trị thủy nên dự án bị dừng lại.
Năm 2006, dự án thành phố hai bên sông được lãnh đạo Hà Nội và thị trưởng Seoul ký thỏa thuận hợp tác quy hoạch, tổng vốn đầu tư lên đến hơn 7,1 tỷ USD. Sau nhiều lần hội thảo, lấy ý kiến các chuyên gia, đến năm 2008, dự án quy hoạch thành phố bên sông Hồng bất ngờ bị dừng triển khai.
Năm 2015, việc nghiên cứu quy hoạch hai bên bờ sông Hồng do phía Hàn Quốc tài trợ được khởi động lại, tuy nhiên dự án cũng không đi đến đích.
![Sông Hồng - đoạn chảy qua các quận nội đô của TP Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/03/13/z2376844608615-85f352e9abd1dd6-8430-3088-1615615057.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=nQQjXohUfr4YuN6lm_Mmew)
Sông Hồng - đoạn chảy qua các quận nội đô của TP Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành.
Tháng 3/2017, dư luận có nhiều ý kiến trái chiều trước thông tin Viện Thiết kế và Quy hoạch thành phố Hàng Châu (Trung Quốc) được Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco) mời tham gia nghiên cứu, lập quy hoạch 1/5.000 cho đô thị hai bên sông Hồng.
Người phát ngôn UBND thành phố sau đó đăng đàn khẳng định, Hà Nội chưa lựa chọn bất cứ đơn vị tư vấn nước ngoài nào tham gia lập đồ án quy hoạch.
Cũng trong năm 2017, ba tập đoàn trong nước đề xuất và được thành phố chấp thuận chủ trương tự nguyện đóng góp tài chính cho việc nghiên cứu trị thủy, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Tuy nhiên từ đó đến nay không có thông tin chính thức về nghiên cứu của các doanh nghiệp trên.
Giữa năm 2020, Hà Nội giao các đơn vị chuyên môn lập quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Sau hơn nửa năm xây dựng, đồ án được Ban thường vụ Thành ủy thống nhất, giao các đơn vị liên quan tiếp thu, hoàn thiện trước khi phê duyệt vào tháng 6 tới.
Dẫn lời các chuyên gia hàng đầu về quy hoạch được Hà Nội mời góp ý cho đồ án, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho hay đồ án là này là "tốt nhất từ trước đến nay và đủ điều kiện phê duyệt".
Điểm giống nhau giữa các nghiên cứu quy hoạch trong nhiều năm qua là định hướng kiến trúc công trình đều quay mặt về phía sông Hồng; lấy sông Hồng làm trục giữa để phát triển dự án hai bên bờ.
Cùng với đó, các đề án từ trước đến nay đều đối diện với vấn đề thoát lũ, chỉnh trị sông Hồng. Theo một số chuyên gia, muốn quy hoạch hai bên bờ sông Hồng hay bất cứ dòng sông nào khác, phải làm quy hoạch thoát lũ. Với sông Hồng đoạn qua TP Hà Nội, phải đảm bảo an toàn chống lũ tần suất 500 năm (trong vòng 500 năm có thể xuất hiện trận lũ vượt bờ đê); bảo đảm chống được lũ tương ứng với mực nước sông Hồng tại trạm Long Biên là 13,4 m và thoát được lưu lượng tối thiểu 20.000 m3/s.
Trả lời báo chí, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Đào Ngọc Nghiêm cho hay, một số vấn đề về thoát lũ và hệ thống đê điều cần phải xin ý kiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Trên cơ sở quy định pháp luật liên quan và ý kiến của Bộ quản lý chuyên ngành, Hà Nội mới có cơ sở phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, kêu gọi đầu tư.
Để tháo gỡ vưỡng mắc, thúc đẩy tiến độ đồ án quy hoạch lần này, lãnh đạo Hà Nội đã đổi mới cách tiếp cận, thay vì lấy ý kiến trước về quy hoạch thoát lũ thì thành phố chỉ đạo cơ quan chức năng làm đồ án quy hoạch, sau đó xin ý kiến trực tiếp về vấn đề này trên cơ sở đồ án.
"Quan điểm là bất khả xâm phạm hai bên bờ đê sông Hồng. Đường hai bên đê được coi như một đập tràn, hai đường chạy song song. Nếu xác suất 500 năm nước lũ vượt quá bờ đê, thì chỉ tràn vào khu quy hoạch, không ảnh hưởng đến thành phố", Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nói.
Theo đồ án quy hoạch 2020, các công trình hai bên sông được thiết kế với công năng chống lũ theo hướng thuận tiện, nước vào rồi lại ra. Quy hoạch thủy lợi tích hợp trong đồ án được cho "hoàn toàn tuân thủ quyết định của Thủ tướng về phê duyệt quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình". Điều đó nghĩa là Hà Nội xác định "thoát lũ vẫn là nhiệm vụ ưu tiên số một" khi xây dựng đồ án.
![Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng có quy mô diện tích khoảng 11.000 ha, kéo dài 40 km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở. Đồ họa: Tạ Lư](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/03/13/quy-hoach-song-Hong-01-8337-1615613992.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=B5c-B7KYuthYJkuLLBSskg)
Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng có quy mô diện tích khoảng 11.000 ha, kéo dài 40 km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở. Đồ họa: Tạ Lư
Cùng với đổi mới cách tiếp cận, quy mô đồ án lần này cũng có nhiều khác biệt so với trước đây. Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng lần này được nghiên cứu trên tổng diện tích khoảng 11.000 ha, chiều dài 40 km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở. Trong khi đó, dự án thành phố hai bên sông năm 2006 cũng có quy mô nghiên cứu chiều dài 40 km, nhưng diện tích thấp hơn rất nhiều, chỉ khoảng 1.500 ha.
Quy mô nghiên cứu của dự án do phía Hàn Quốc tài trợ vào năm 2015 là 3.000 ha, trong phạm vi hai tuyến đê tả và đê hữu sông Hồng, chiều dài 11 km dọc sông.
Trước đó, dự án Trấn Sông Hồng (năm 1994) đề xuất nghiên cứu xây dựng khu dân cư hiện đại với các cao ốc là một quần thể gồm nhà ở, văn phòng thương mại, khách sạn, khu vui chơi và sinh hoạt cộng đồng, diện tích chỉ là "một mảnh đất ngoài đê khu vực An Dương".
Một điểm khác biệt nữa là lãnh đạo thành phố cam kết "không chất tải (dồn) các công trình dọc hai bên bờ sông Hồng". Quy hoạch thành phố hai bên sông năm 2006 hướng đến việc xây dựng những khu đô thị hiện đại với các tòa nhà chung cư cao từ 30 – 40 tầng, khách sạn 5 sao, khu phức hợp quốc tế công nghệ, tài chính, chứng khoán... Còn định hướng của đồ án lần này là trục không gian cây xanh mặt nước, phát triển các công trình công cộng, công viên, công trình văn hóa dịch vụ du lịch, giải trí biểu tượng của thủ đô để phục vụ các hoạt động lễ hội, du lịch.
Theo Bí thư Vương Đình Huệ, đề án nghiên cứu của Hàn Quốc trước đây chú trọng vào thành phố hiện đại, nhà cao tầng vì lúc đó Hà Nội chưa được mở rộng địa giới hành chính, diện tích rất hẹp. Nhưng hiện nay không gian phát triển của Hà Nội rất rộng, nên quy hoạch định hướng đô thị sông Hồng là trục vành đai xanh, nhấn mạnh văn hóa đặc sắc của sông Hồng, tạo không gian hài hòa để phát triển cho cả hai bên dòng sông.
Ngoài ra, trước đây khi làm quy hoạch, thành phố "lúc giao cho đơn vị này, lúc lại giao đơn vị khác, còn hiện nay Nhà nước đứng ra làm, không giao cho một doanh nghiệp nào".
Tại hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội ngày 11/3, Ban thường vụ Thành ủy đã thống nhất về quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, giao Ban cán sự Đảng UBND thành phố tiếp thu ý kiến, hoàn thiện và thống nhất một số vấn đề với các Bộ, ngành trước khi phê duyệt.
Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng là đồ án cụ thể hóa quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Đến nay sau 10 năm có quy hoạch chung, thành phố đã hoàn thành 86% quy hoạch phân khu.
Võ Hải