Chiều 10/3, Thường vụ Thành ủy Hà Nội cho ý kiến về chủ trương hoàn thiện Đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000.
Đồ án được nghiên cứu trên không gian đoạn sông Hồng dài khoảng 40 km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, bao phủ diện tích 11.000 ha; thuộc 55 phường, xã và 13 quận, huyện; dân số tính toán theo quy hoạch từ 280.000 đến 320.000.
Theo đại diện UBND thành phố, đồ án nhằm hình thành trục không gian văn hóa - cảnh quan sinh thái Hồ Tây - Cổ Loa; cải tạo, chỉnh trang, tái thiết hệ thống dân cư hiện hữu, bảo tồn các công trình di tích, kiến trúc có giá trị lịch sử, kết hợp khai thác quỹ đất phát triển mới tạo lập diện mạo đô thị hai bên sông Hồng.
Không gian nghiên cứu đồ án rất khác biệt vì đây là khu vực dành cho thoát lũ ngoài đê sông Hồng, có quy mô, tính chất phức tạp với nhiều yếu tố đan xen.
Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho hay, trước đây mọi người nói "Hà Nội quay lưng vào sông Hồng", nhưng với quy hoạch này "Hà Nội sẽ quay mặt vào sông Hồng để phát triển".
Từ năm 1954 đến nay, có bảy lần quy hoạch chung Thủ đô đã được ban hành, mỗi lần đều đề cập quy hoạch không gian sông Hồng. Năm 2012, trên cơ sở quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Hà Nội đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Từ đó đến nay, thành phố vẫn chưa thực hiện xong nhiệm vụ này, dù có khoảng 20 đề án, dự án liên quan đến sông Hồng của các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước đã được trình lên.
Theo ông Lưu Quang Huy, việc đồ án được Thường vụ Thành ủy thông qua về chủ trương để xin ý kiến các bộ, ngành là "bước tiến vượt bậc về công tác quy hoạch và cụ thể hóa các quy hoạch chung xây dựng thủ đô từ trước đến nay".
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, đồ án lần này được các chuyên gia hàng đầu về quy hoạch nhận định là tốt nhất từ trước đến nay và đủ điều kiện để được phê duyệt, thông qua.
"Đây là kết quả từ quyết tâm chính trị rất cao của thành phố trong việc đẩy mạnh nghiên cứu, thẩm định và phê duyệt quy hoạch này nhằm hiện thực hóa quy hoạch thủ đô từ năm 1954 đến nay, cũng như định hướng về không gian, chỉnh trang đô thị, giải quyết sinh kế cho người dân, chỉnh trị dòng chảy và hành lang thoát lũ...", Bí thư Hà Nội nói.
Trên cơ sở xem xét cẩn trọng đồ án, Thường vụ Thành ủy Hà Nội nhất trí về chủ trương giao Ban cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo hoàn thiện đồ án; xin ý kiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về nội dung liên quan đến quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều; xin ý kiến Bộ Xây dựng đối với việc cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng thủ đô.
Trong gần 30 năm qua, có một số dự án quy hoạch sông Hồng nhưng chưa thành hiện thực. Trong đó, giữa năm 2006, lãnh đạo Hà Nội và thị trưởng thành phố Seoul (Hàn Quốc) đã ký thỏa thuận hợp tác quy hoạch, cải tạo và phát triển hai bên bờ sông Hồng, đoạn chảy qua Hà Nội.
Theo tính toán của đơn vị tư vấn, dự án thành phố bên sông Hồng chia theo 4 khu vực, với tổng diện tích 1.500 ha, tổng vốn đầu tư hơn 7,1 tỷ USD, triển khai từ năm 2008 đến 2020. Sau nhiều lần hội thảo, lấy ý kiến các chuyên gia, đến năm 2008, dự án quy hoạch thành phố bên sông Hồng bị dừng triển khai.
Võ Hải