Bộ Công Thương vừa được Chính phủ yêu cầu rà soát, giải trình thêm một số vấn đề liên quan phát triển điện mặt trời, điện khí LNG. Yêu cầu này được đưa ra sau khi Hội đồng thẩm định thông qua Quy hoạch điện VIII hồi cuối tháng 4.
Theo đó, Bộ Công Thương sẽ phải tiếp tục làm rõ thêm số liệu các dự án điện mặt trời đã đầu tư nhưng chưa vận hành; đã giao đất, giải phóng mặt bằng, thi công xây dựng. Từ đó, đánh giá tác động cụ thể và đề xuất giải pháp.
Bộ này cần làm rõ thêm tính khả thi, hiệu quả trong phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng (thủy điện tích năng, pin lưu trữ...) với nguồn điện mặt trời trong các kỳ quy hoạch, nhất là đến năm 2030.
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, đến cuối năm 2020 có 175 dự án điện mặt trời với tổng công suất đặt 14.891 MW đã được bổ sung Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Trong đó, 58 dự án do Thủ tướng quyết định bổ sung, tổng công suất đặt gần 10.700 MW; Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung quy hoạch 117 dự án, tổng công suất trên 4.220 MW.
Hiện còn 41 dự án điện mặt trời, tổng công suất trên 6.000 MW đã được bổ sung quy hoạch nhưng chưa vận hành. Các dự án này tập trung chủ yếu tại miền Trung, Nam, riêng miền Bắc chỉ có 3 dự án. Trong số các dự án này, chỉ có 15 dự án có chủ trương đầu tư...
Bộ Công Thương cũng được đề nghị làm rõ số liệu quy hoạch, tính khả thi và hiệu quả của phát triển điện khí LNG đến 2030.
Theo đó, những khó khăn, vướng mắc trong triển khai một số dự án nguồn điện khí,... cần có đánh giá chi tiết hơn. Việc này đặt ra trong bối cảnh có thể xảy ra những vấn đề địa chính trị, địa kinh tế trên thế giới, dẫn đến khả năng thiếu hụt nguồn khí hoặc giá khí LNG tăng rất cao.
Theo tờ trình dự thảo quy hoạch điện VIII ngày 29/4 của Bộ Công Thương (sau khi được Hội đồng thẩm định quốc gia phê duyệt dự thảo quy hoạch), ở kịch bản phụ tải cao điều hành, năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện đạt gần 146.000 MW (không tính điện mặt trời mái nhà, các nguồn đồng phát). Trong đó, điện than đạt 37.467 MW (chiếm gần 26%) vào năm 2030, và giữ nguyên đến 2045 (9,7% cơ cấu nguồn điện).
Nguồn điện LNG đạt 23.900 MW (16,4% cơ cấu nguồn điện) vào năm 2030 và tăng gấp 1,3 lần, lên 31.400 MW vào 2035. Mức này sẽ giữ nguyên đến năm 2045.
Cơ quan soạn thảo đánh giá, kịch bản phụ tải cao phục vụ điều hành khuyến khích phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo, đáp ứng cam kết của Việt Nam tại COP26 về giảm phát thải ròng về 0.
Kịch bản này sẽ tăng thêm khoảng 15% công suất dự phòng trong 10 năm tới, khoảng 11.200 MW. Nguồn điện LNG góp khoảng 50% (6.000 MW), còn lại là điện gió trên bờ, gần bờ và điện gió ngoài khơi. Lượng công suất tăng thêm này giúp dự phòng, đảm bảo an ninh cung cấp điện trong trường hợp các dự án nhiệt điện than BOT không thể vận hành.
Với kịch bản này, Bộ Công Thương đánh giá truyền tải điện từ miền Trung ra Bắc (liên miền) sẽ tăng dần từ sau năm 2025 trở đi với sản lượng truyền tải tăng 19,5 tỷ kWh vào 2030 lên hơn 21 tỷ kWh vào 2035 và đạt 57 tỷ kWh vào 2045. Như vậy đến năm 2030, 4 mạch đường dây 500 kV hiện có liên kết liên miền Trung - Bắc vẫn đảm bảo khả năng truyền tải, chưa cần mở rộng thêm.
Tuy nhiên, sau năm 2035 cần xây thêm 2 hệ thống đường dây truyền tải điện một chiều, theo hướng truyền tải Trung - Bắc và Nam - Bắc, mỗi hệ thống có công suất khoảng 10 GW.
Ước tính số vốn đầu tư nguồn, lưới điện ở kịch bản cao phục vụ điều hành giai đoạn 2021 - 2030 là 146,5 tỷ USD, tức 14,7 tỷ USD một năm. Còn vốn đầu tư nguồn, lưới điện 2031-2045 cho kịch bản phụ tải cao phục vụ điều hành gần 346 tỷ USD, tương đương 23,1 tỷ USD mỗi năm...