Khoảng cách bình quân giữa các trạm là 59 km. Có 7 trạm đã khai thác; hai trạm đang đầu tư; 27 trạm còn lại sẽ lựa chọn nhà đầu tư, trong đó 20 trạm được hoạch định diện tích 5 ha mỗi bên, 7 trạm gần các đầu mối giao thông, các đô thị lớn với diện tích khoảng 3 ha mỗi bên.
Hiện nay, nhiều dự án cao tốc Bắc Nam (giai đoạn 2017-2021) đã thông xe như Phan Thiết - Dầu Giây, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Mai Sơn - quốc lộ 45, Nha Trang - Cam Lâm; hai đoạn quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu sắp được khai thác, song đều chưa có trạm dừng nghỉ, trạm xăng gây khó khăn cho chủ xe và hành khách.
Đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết nguyên nhân là quy định của pháp luật giai đoạn trước đây về đầu tư, kinh doanh trạm dừng nghỉ chưa đầy đủ nên việc xây dựng trạm theo hình thức xã hội hóa gặp nhiều khó khăn, chưa thể khai thác đồng bộ với một số đoạn cao tốc.
Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trạm nghỉ trên cao tốc, từ tháng 5, Bộ Giao thông Vận tải đã giao nhiệm vụ cho các Ban quản lý dự án, tư vấn, phối hợp với địa phương xây dựng hồ sơ kêu gọi đầu tư 8 trạm dừng nghỉ tại các dự án Mai Sơn - quốc lộ 45, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây. Đây là các đoạn cao tốc đã khánh thành và sắp được thông xe.
Dự kiến, việc lựa chọn nhà đầu tư cần 3-5 tháng, phụ thuộc vào số lượng đăng ký. Thời gian hoàn thành thủ tục và xây dựng trạm là 9-12 tháng. Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu đấu thầu công khai, các đơn vị nghiên cứu kỹ khu vực xây dựng trạm để chuẩn xác quy mô và các hạng mục, bảo đảm hiệu quả đầu tư.
Ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI), cho rằng việc đầu tư xây dựng trạm cần đồng bộ với mạng lưới cao tốc cả nước, tránh tình trạng mỗi địa phương xây dựng một kiểu, không đảm bảo khoảng cách.
Theo ông, các dự án cao tốc đầu tư bằng ngân sách nhà nước cần đấu thầu nhà đầu tư xây trạm dừng nghỉ; song dự án theo hình thức xã hội hóa thì nên giao cho nhà đầu tư tuyến đường xây dựng để quản lý nhất quán. Sau này, với phương án nhà nước nhượng quyền quản lý vận hành, bảo trì cao tốc, nhà đầu tư nhận nhượng quyền cũng cần được giao quản lý trạm dừng nghỉ để đồng bộ vận hành toàn tuyến.
Trạm dừng nghỉ là một bộ phận thuộc kết cấu hạ tầng đường bộ, là công trình dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Theo Tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc, trung bình 50-60 km cần bố trí một trạm dừng nghỉ cung cấp các dịch vụ cơ bản như xăng, dầu, sửa chữa nhỏ và dừng xe, có nhà nghỉ, nhà vệ sinh, cửa hàng ăn.