Chiều 17/5, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức hội nghị "Thực trạng và giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực học đường".
Ông Nguyễn Văn Hiển, Ủy viên Ủy ban Pháp luật, cho rằng hệ thống văn bản pháp luật về phòng chống bạo lực học đường khá đầy đủ, nhưng nằm ở rất nhiều văn bản khiến mọi người khó tiếp cận. Các cơ sở giáo dục chưa xây dựng được chương trình kế hoạch cụ thể cho công tác phòngngừa, còn bị thiếu nguồn lực, bao gồm cả cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên.
Quy định liên quan đến xử lý bạo lực học đường cũng bộc lộ một số điểm yếu. Bộ luật hình sự, theo ông Hiển, hiện đưa ra những chế tài mạnh để xử lý hành vi xâm hại trẻ em, nhưng lại không mô tả chi tiết một số hành vi dẫn đến khó xử lý. Ví dụ với hành vi dâm ô, luật có nhắc tới dâm ô người dưới 16 tuổi, nhưng thế nào là dâm ô lại không có bất cứ văn bản nào cụ thể.
"Cách hiểu dâm ô trong luật giờ rất hẹp khiến nhiều hành vi như đã và đang xảy ra nhưng không xử lý được. Như ở nhiều nước, ngoài dâm ô, họ còn quy định về hành vi quấy rối tình dục, Việt Nam thì chưa có", ông Hiển nói.
Ở Bộ luật tố tụng hình sự, nhiều hành vi cơ quan chức năng biết là có, nhưng không làm gì được do không có dấu vết làm chứng, như xâm phạm danh dự, nhân phẩm hay dâm ô. Ông Hiển cho rằng Việt Nam có thể học theo các nước, đưa vào biện pháp điều tra gài bẫy nhằm có bằng chứng để xử lý.
Đối với xử lý hành chính, ông Hiển đánh giá Việt Nam có chế tài, nhưng lại đánh giá mức độ hành vi không tương xứng, ví dụ vụ hôn trẻ em trong thang máy chỉ bị phạt 200.000 đồng. Tuy nhiên, ông không đồng tình việc cứ thấy dư luận bức xúc là tăng chế tài. "Vấn đề không phải ở chế tài mà nằm ở việc thực thi pháp luật ra sao. Hiện thực thi chưa tốt", ông nói.
TS Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội, cho rằng việc hạn chế bạo lực học đường với một quốc gia có 22 triệu học sinh, sinh viên và 1,2 triệu nhà giáo là không dễ dàng và không riêng một ngành nào có thể làm được. Ngoài tuyên truyền giáo dục, thực hiện tốt các chương trình quốc gia về bảo vệ trẻ em hay đẩy mạnh hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành, đoàn thể, cần rà soát điều chỉnh lại khung pháp lý liên quan đến bạo lực trẻ em cho phù hợp.
Nghiên cứu một số quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực học đường và bảo vệ trẻ em, ông Lợi thấy vẫn còn một số hành vi chưa được quy định pháp luật điều chỉnh. Mức phạt tiền đối với một số hành vi bạo lực học đường còn thấp, chưa đủ sức răn đe, giáo dục. Từ đó, ông mong muốn các bộ, ngành rà soát để sớm sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật.
Báo cáo của Liên Hợp Quốc cho thấy mỗi năm thế giới có 6 triệu trẻ em trai và 4 triệu em gái trực tiếp liên quan đến bạo lực học đường. Theo một thống kê tại Việt Nam, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học trong một năm. Riêng quý I/2019, cả nước có 310 vụ bạo lực học đường, chủ yếu là học sinh THCS và THPT.