Trong hai ngày 20 và 21/2, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các đơn vị tổ chức hai hội nghị lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học về Dự án Luật đất đai (sửa đổi).
Theo điều 71 dự thảo luật, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có thể được điều chỉnh do biến đổi bất thường của tình hình kinh tế xã hội làm hạn chế nguồn lực thực hiện; hoặc do phát triển của khoa học công nghệ làm thay đổi cơ bản việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất.
Quy định này theo GS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, là quá rộng. Thực trạng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất những năm qua "thường xuyên bị điều chỉnh, thiếu ổn định, trong đó không ít trường hợp có lợi ích nhóm".
Do đó, GS Đường đề nghị ban soạn thảo quy định chặt chẽ nội dung này trong dự thảo luật Đất đai sửa đổi. Thẩm quyền thay đổi quy hoạch cấp tỉnh phải được cơ quan quy hoạch cấp quốc gia cho phép và thẩm quyền thay đổi quy hoạch cấp quận/ huyện phải do cấp tỉnh quyết định, tránh "cấp nào tự thay đổi, điều chỉnh quy hoạch cấp đó".
Dự thảo quy định việc lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất thực hiện ở 3 cấp gồm quốc gia, tỉnh, huyện; tiến hành từ trên xuống. GS Đường cũng cho rằng nội dung này chưa hợp lý, vì việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải làm từ dưới lên mới sát thực tế và khả thi.
"Tôi đề nghị ban soạn thảo xem xét lại thẩm quyền thu hồi đất; định giá đất thu hồi, bởi đây là những vấn đề rất nóng trong thực tế, cần quy định chặt chẽ", ông Đường nhấn mạnh.
Ông Đỗ Duy Thường (Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) thì nhận định, việc lấy ý kiến công dân đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, xã có ý nghĩa rất quan trọng, song dự thảo luật chưa quy định chặt chẽ.
Vì vậy, ông đề nghị các cơ quan bổ sung vào dự luật chủ thể, thành phần được lấy ý kiến là đại diện hộ gia đình ở thôn, làng, tổ dân phố, trong thời gian 30 ngày. Bản đồ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng phải được công khai tại UBND xã và tại điểm dân cư.
"Vấn đề quan trọng liên quan đến hàng trăm gia đình mà chỉ có mấy ông ngồi với nhau là không ổn. Một làng có 300-400 hộ thì phải có 300-400 người đại diện được lấy ý kiến, tránh khiếu nại, khiếu kiện phức tạp sau này", ông Thường nói.
Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó ban Dân nguyện dẫn báo cáo của Đoàn giám sát Ủy ban thường vụ Quốc hội cho thấy, tỷ lệ đơn thư liên quan đến đất đai khoảng 70% tổng đơn thư hằng năm. Nguyên nhân chủ yếu là do quy hoạch thiếu tầm nhìn, quy hoạch cảm tính, quy hoạch sau điều chỉnh quy hoạch trước.
"Một số nơi quy hoạch sử dụng đất để tăng thu ngân sách hoặc phát triển dự án của địa phương mà chưa quan tâm đến tác động lâu dài", ông Nhưỡng nói, kiến nghị ban soạn thảo quy định rõ việc quy hoạch sử dụng đất phải bảo đảm tầm nhìn dài hạn, có thể hàng trăm năm, không nên hạn chế thời hạn quy hoạch dưới 50 năm và phải dựa trên cơ sở khoa học, đánh giá tác động toàn diện.
Quy hoạch cần đáp ứng không gian phát triển cũng như bảo đảm đời sống của người dân, gìn giữ những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống của dân tộc và gắn với quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp 4 cuối năm 2022. Hiện nay, các cơ quan đang lấy ý kiến nhân dân để hoàn chỉnh dự luật trình Quốc hội tiếp tục xem xét, thảo luận tại kỳ họp thứ 5 (khai mạc tháng 5) và xem xét thông qua tại kỳ họp cuối năm nay.