Chiều 13/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua dự thảo Nghị quyết việc lấy ý kiến nhân dân về Luật Đất đai sửa đổi. Đối tượng lấy ý kiến gồm người Việt Nam trong và ngoài nước; bộ, ngành; TAND tối cao; VKSND tối cao; Kiểm toán Nhà nước, cơ quan Nhà nước ở địa phương, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu...
Việc lấy ý kiến nhân dân tập trung vào nguyên tắc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất; trường hợp, tiêu chí, điều kiện thu hồi đất; việc lập và thực hiện khu tái định cư; hình thức lấy ý kiến và trách nhiệm tổng hợp, tiếp thu, giải trình khi làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Ngoài ra, nguyên tắc áp dụng pháp luật; quyền và trách nhiệm của Nhà nước với vai trò đại diện chủ sở hữu về đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai... cũng được lấy ý kiến lần này.
Người dân có thể góp ý trực tiếp bằng văn bản; tham gia góp ý tại hội nghị, hội thảo, tọa đàm; thông qua Cổng thông tin điện tử của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường; cơ quan thông tấn báo chí. Thời gian lấy ý kiến đã tăng 15 ngày so với đề xuất của Chính phủ.
Ủy ban Kinh tế (cơ quan chủ trì thẩm tra) phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổng hợp, giải trình tiếp thu các ý kiến góp ý và chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Thảo luận trước đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng cần cụ thể hóa nhóm nội dung để lấy ý kiến đối với người dân, doanh nghiệp và các hiệp hội. Việc lấy ý kiến hiện nay được thực hiện rất nhiều, nhưng chủ yếu dừng ở bình luận đánh giá, trong khi các giải pháp đưa ra rất ít.
Bên cạnh đó, cơ chế lấy ý kiến trên cổng thông tin điện tử cũng chưa rõ ràng, người dân đọc qua dự thảo khó phát hiện vấn đề, khi triển khai mới phát sinh hàng loạt vướng mắc. "Chỉ nêu ra mấy nội dung thì chuyên gia còn không hiểu để góp ý thì người dân hiểu và góp ý làm sao", ông Huệ đặt câu hỏi.
Chủ tịch Quốc hội đề xuất địa phương cử người trách nhiệm, hiểu biết về lĩnh vực để làm báo cáo viên, nêu ra các vấn đề vướng mắc, phương án sửa đổi, xem xét tác động đến người dân và doanh nghiệp. Chính phủ nêu rõ vai trò cơ quan chủ trì, cơ quan soạn thảo với việc lấy ý kiến, nhất là ở những địa bàn trọng điểm, vấn đề trọng tâm, đối tượng chịu tác động lớn nhất.
Ông Huệ đề nghị làm rõ vai trò của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội đối với việc tổng hợp ý kiến. Quá trình tổng hợp ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cần được giám sát, tránh trường hợp "ý kiến rất sát nhưng không được tổng hợp, hoặc tổng hợp khác đi".
Đồng quan điểm, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng bên cạnh việc lấy kiến, gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chính phủ tổng hợp, báo cáo, Quốc hội cũng cần tham gia để chủ động xem xét trong quá trình thẩm tra, hoàn thiện dự luật. "Tránh việc những ý kiến rất xác đáng, sắc sảo, cần thiết nhưng cơ quan quản lý Nhà nước thấy không phù hợp nên không đưa vào", ông Cường nói.
Về đối tượng, ông Cường cho biết nhóm đối tượng là doanh nghiệp, hiệp hội rất quan trọng, nhất là hiệp hội về bất động sản thường có nhiều đóng góp hay. Ông Cường đề nghị xác định rõ nội dung lấy ý kiến phù hợp với từng nhóm đối tượng.
Cùng quan tâm đến vấn đề tổng hợp ý kiến người dân, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho rằng tổng hợp là công việc đòi hỏi nhiều công sức. Nên việc đảm bảo việc lấy ý kiến trung thực, khách quan rất quan trọng. Ông đề nghị đa dạng kênh tổng hợp ý kiến, "tránh việc mình chỉ tổng hợp những gì thuận lợi cho mình, dẫn đến lệch lạc".
Dẫn việc một số diễn đàn lấy ý kiến khiến "chuyên gia rất không bằng lòng" vì không có cơ chế phản hồi, không biết có tiếp thu hay không, ông Huy đề nghị chấn chỉnh nhằm thể hiện sự tôn trọng, khuyến khích việc lấy ý kiến trong quá trình xây dựng pháp luật.