Tại cuộc họp báo chiều 31/1, ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã trả lời câu hỏi liên quan đến chỉ đạo trước đây của Thủ tướng là các bộ ngành, địa phương cần tập trung "lo Tết cho nhân dân chứ không phải cho cán bộ cấp trên; các doanh nghiệp, địa phương không phải ra Hà Nội đi biếu xén".
Ông Dũng nói văn hoá chúc Tết theo đúng phong tục truyền thống, tập quán của người Việt Nam vốn tốt đẹp, song đã bị lợi dụng và biến tướng.
"Chúng ta biết rằng các nước phương Tây hay ở Châu Á như Nhật Bản cũng có văn hóa quà tặng, mỗi dịp lễ hội họ thăm nhau và tặng những món quà nhỏ như cái quạt giấy, con búp bê... Điều này là bình thường", ông Dũng chia sẻ.
Theo ông, chính vì văn hóa quà tặng ở Việt Nam bị biến tướng như nêu trên nên lãnh đạo Chính phủ đã cấm chúc Tết nhằm tránh tình trạng lợi dụng "để làm việc này việc khác". Văn phòng Chính phủ quán triệt tinh thần đó. Những ngày này Thủ tướng không tiếp khách doanh nghiệp, không tiếp những người "không đến để làm việc mà chỉ chúc Tết".
Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ thừa nhận liên quan đến quy định về chúc Tết có thể "chỗ này chỗ khác" chưa chấp hành nghiêm, tuy nhiên nhìn chung sau khi Trung ương ban hành quy định trách nhiệm nêu gương thì "tính tự giác của cán bộ lên rất cao".
Trước đó liên tục tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương năm 2016 và 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều yêu cầu lãnh đạo các địa phương không được lên Trung ương chúc Tết, biếu xén dịp cuối năm. Còn ông Mai Tiến Dũng từng chia sẻ, mỗi năm Tết đến, ông thường nói lời cảm ơn lãnh đạo cấp trên cũng như những người cộng sự cấp dưới của mình, cả những người lao công, bảo vệ, bạn bè, thầy cô, các nhà báo... là những người đã giúp ông hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho.
"Lời cảm ơn cũng là món quà chứ không phải chỉ tiền bạc hay hiện vật mới là quà. Trong văn hoá của người Việt nhiều khi không gì bằng lời nói, lời chào cao hơn mâm cỗ, tất nhiên phải là lời nói từ tấm lòng chân thành", ông nói.