Thông điệp 5K gồm "khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế" được Bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Văn Nên đề cập tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 thành phố hôm 9/3. Theo ông Nên, một số quy định 5K như "khoảng cách, không tập trung" hiện khó phù hợp với bối cảnh hiện tại. Trong tình hình mới, học sinh đến trường, cơ quan, doanh nghiệp tổ chức đi làm thì khó mà không tập trung được.
"Nếu chúng ta cứ kêu gọi thực hiện 5K, mà không sửa cho phù hợp thực tế sẽ khó thực hiện, hoặc nói mà không làm được, người dân đều gặp khó khăn", ông Nên nói và đề nghị trong tình hình mới, TP HCM cần xem xét lại để hướng dẫn thực hiện quy tắc 5K phù hợp, mang tính khả thi.
Khuyến cáo 5K được Bộ Y tế đưa ra hồi tháng 8/2020, khi Việt Nam ghi nhận hơn 1.000 ca Covid-19 và được duy trì từ đó đến nay. Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa nhiễm - thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM, việc thực hiện 5K lúc này cần thay đổi vì thành phố đã mở cửa, người dân đi lại, gặp gỡ nhiều. Do đó việc đeo khẩu trang, khử khuẩn vẫn cần thiết, nhưng quy định về khoảng cách, không tụ tập cần xem xét lại.
Bác sĩ Khanh ví dụ tại doanh nghiệp, việc yêu cầu giữ khoảng cách 2 m gần như bất khả thi vì như vậy người lao động không làm việc được. Khai báo y tế cũng không còn cần thiết vì việc truy vết không còn quan trọng khi số ca F0 rất đông và hầu hết người dân đã tiêm vaccine.
"Các nguyên tắc 5K nên chỉ dừng ở khuyến cáo, chứ không bắt buộc thực hiện như trước đây để phù hợp tình hình hiện tại, tạo điều kiện thuận lợi người dân sinh hoạt", bác sỹ Khanh nói.
Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Văn Ngọc, Chủ tịch Hội hô hấp TP HCM, cho rằng ngoài khẩu trang và khử khuẩn phải duy trì để phòng dịch, yêu cầu về khai báo y tế hiện không còn phù hợp, cần bãi bỏ. Ông lý giải, hiện người dân khó biết được mình có tiếp xúc F0 thời điểm nào và ngành y tế cũng không còn thực hiện truy vết, khoanh vùng nữa.
Bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), cho rằng thông điệp 5K cần được cập nhật lại cho phù hợp với quan điểm chống dịch hiện nay. "Không nhất thiết giữ nguyên 5K như hiện nay mà có thể điều chỉnh linh hoạt theo hướng tăng cường phòng vệ cá nhân, ý thức người dân", ông Phúc nói.
Theo bác sĩ Phúc, khi các biện pháp kiểm dịch công cộng được giảm bớt, từng cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục cần thực hiện nghiêm bộ quy tắc kiểm soát chống nhiễm khuẩn để thu hẹp quy mô lây nhiễm.
Đánh giá diễn biến dịch trong giai đoạn hiện nay, bác sĩ Phúc cho rằng biến thể Omicron đã xâm nhập sâu trong cộng đồng, thể hiện ở số ca mắc tăng rất nhanh, gấp nhiều lần so với thời điểm Delta chiếm ưu thế. Vì vậy, các biện pháp phòng chống dịch vẫn cần được ưu tiên, tránh nguy cơ vỡ trận về y tế.
Nhìn nhận dưới góc độ thận trọng hơn, một chuyên gia về dịch tễ cho rằng còn quá sớm để thay đổi các biện pháp phòng chống dịch nhất là trong giai đoạn số ca nhiễm tăng quá nhanh như hiện nay. "Hiệu quả bảo vệ của vaccine chưa cao, bệnh chưa có thuốc đặc trị, trong khi số lượng ca tái nhiễm ngày càng lớn. Áp dụng 5K vẫn là điều cần thiết để bảo vệ cộng đồng", chuyên gia này nói.
Chuyên gia này cũng khuyến cáo người dân cần hiểu và áp dụng linh hoạt khi thực hiện 5K, tùy từng lúc, từng nơi. Trong đó, người dân cần xác định nguyên tắc nào nào là ưu tiên và nguyên tắc nào bổ trợ. Ví dụ, khi ăn uống khách hàng không đeo khẩu trang nhưng có thể giãn cách; đi ăn theo nhóm hoặc gia đình có thể giãn cách giữa các nhóm với nhau. Khi xem thi đấu thể thao sẽ khó giữ khoảng cách nhưng khán giả phải đeo khẩu trang, thường xuyên khử khuẩn tay.
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP HCM, thông điệp 5K vốn là khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Hiện, WHO vẫn duy trì khuyến cáo này, trong bối cảnh biến chủng Omicron đang chiếm ưu thế.
"Từng biện pháp mang lại hiệu quả nhỏ nhưng tổng hợp lại sẽ hạn chế dịch lây lan, do đó thực hiện được càng nhiều khuyến cáo sẽ càng tốt. Nếu chỉ đeo khẩu trang mà đứng quá sát nhau về nguyên tắc sẽ tăng khả năng nhiễm bệnh", ông Dũng nói. Do đó, ngoài khẩu trang và khử khuẩn, nếu không cần thiết đừng đứng sát nhau, nên giữ khoảng cách, tránh tụ tập đông người.
Về khai báo y tế, ông Dũng cho rằng điều này rất quan trọng. Khai báo y tế giúp người dân được xác định ca mắc, tạo điều kiện cách ly, phát thuốc khi cần. Đặc biệt, khai báo bằng ứng dụng PC Covid, F0 không thể đến nơi đông người như trường học, cơ quan, siêu thị, tránh nguy cơ lây lan. Khai báo còn giúp ngành y tế thuận lợi giám sát dịch tễ học, kịp thời phát hiện làn sóng dịch đi lên để tránh chủ quan, có những biện pháp ứng phó phù hợp.
PGS Dũng cho rằng giai đoạn hiện nay vẫn nên khuyến cáo người dân 5K. Khoảng 6 tháng nữa, nếu không xuất hiện biến chủng nghiêm trọng, tình hình dịch ổn định, nhà nước có thể không bắt buộc nữa mà cho phép người dân tự quyết định. Chẳng hạn, ai cẩn thận, gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ sẽ tự thực hiện 5K.
Nói đề xuất điều chỉnh một số quy định 5K, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết Bộ Y tế ghi nhận các ý kiến và sẽ nghiên cứu.
Tối 10/3, Bộ Y tế công bố hơn 218.000 ca nhiễm. Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận 7 ngày qua gần 147.000 ca/ngày. Đợt dịch thứ 4, cả nước ghi nhận hơn 5,2 triệu ca nhiễm, trong đó hơn 2,9 triệu ca khỏi bệnh.
Nhóm phóng viên