Anh Minh Hùng, chồng chị, là một kỹ sư IT, thu nhập hơn 30 triệu đồng một tháng. Toàn bộ số lương anh nộp hết cho vợ như thỏa thuận trước kết hôn. Tuy nhiên, Hùng âm thầm giữ lại khoản tiền làm thêm, tiền thưởng, hàng tháng gửi cho em gái học đại học và tiêu vặt cho bản thân.
Anh nghĩ giúp em sẽ giảm gánh nặng cho bố mẹ già, là cách báo hiếu. Hùng cũng không để việc này ảnh hưởng đến tài chính gia đình. Anh không muốn nói vì biết vợ không hợp nhà nội, nói ra chưa chắc cô đã thoải mái.
Chị Hồng Ánh biết chồng vẫn có quỹ đen nhưng nghĩ anh cũng cần không gian riêng nên chị không quản lý. Nhưng hôm đọc bài viết của em chồng, người phụ nữ 37 tuổi ở Đống Đa, Hà Nội bỗng trào cơn giận. "Anh coi tôi là bù nhìn à? Anh còn bao nhiêu loại quỹ đen nữa?", chị hét lên. Anh Minh Hùng, chồng chị, xin lỗi để xoa dịu vợ dù thấy mình không sai.
"Cho tiền em gái mà không nói là thiếu tôn trọng tôi. Điều đó thực sự khiến tôi tổn thương, mất niềm tin vào chồng", chị nói.
Chung cảm xúc với Hồng Ánh, hơn 1/4 số cặp vợ chồng coi "có quỹ đen" là hành vi không chung thủy, tệ hơn cả phản bội về thể xác, theo một khảo sát của dịch vụ tài chính CreditCards (Mỹ) năm 2021.
Thạc sĩ tâm lý Phong Nguyên (Hà Nội) cho rằng, "quỹ đen" mà Hồng Ánh nói đến thực chất là một nỗi sợ. "Chúng ta sợ bạn đời không trung thực, không muốn ở bên mình mà đang xây dựng phương án dự phòng, một nguồn lực ngầm", ông Phong nhận định.
Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Minh, giảng viên Tâm lý và kỹ năng mềm, Phân viện học viện hành chính quốc gia TP HCM, xét về tài chính, một cuộc hôn nhân hoàn hảo là khi không có bí mật nào giữa hai người. Tuy nhiên, nếu bạn đời có khoản riêng không quá lớn, không ảnh hưởng đến tài chính gia đình thì vẫn chấp nhận được. "Ai cũng có khoảng riêng tư cần được tôn trọng, miễn là bí mật đó không gây tổn hại", bà Minh nói.
Theo chuyên gia, nhiều người hay đánh đồng "quỹ đen" với "quỹ riêng", dẫn đến những mâu thuẫn không đáng có. Bà Minh cho rằng khoản tiền riêng của anh Hùng không gây tổn hại gia đình mà còn giúp đỡ được cha mẹ, gắn kết mọi người, đáng được biểu dương hơn là chỉ trích.
Trong khảo sát của VnExpress với hơn 500 độc giả, có 46% cho rằng vợ chồng nên có quỹ đen; 40% chọn giải pháp vợ chồng nên thỏa thuận góp quỹ chung, còn lại, tiền của ai người đó giữ và 14% cho rằng tài chính gia đình cần tập trung về một mối.
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm (TP HCM), theo khái niệm thông thường, quỹ đen là một khoản tiền vợ/chồng giữ riêng mà bạn đời không biết. Nhưng dù khoản anh Hùng chu cấp cho em gái được gọi là quỹ đen hay quỹ riêng, chị Hồng Ánh cũng không nên nổi giận.
"Quỹ đen không xấu. Xấu hay không là do mục đích sử dụng nó", bà Tâm nói.
Vì tin mục đích sử dụng quỹ đen của vợ không xấu, nên anh Minh Đức (32 tuổi, ở Hà Đông, Hà Nội) rất thoải mái. Hai hôm trước, chị Nguyễn Thị Ngân vừa than thở hết tiền thì có tin nhắn ngân hàng thông báo tiền lãi và gốc trả về sau thời gian tiết kiệm hơn 50 triệu đồng. Tình cờ, chồng lại đang cầm điện thoại xem chung một bộ phim nên đọc được.
"Mồm kêu hết tiền mà có quỹ đen đây này", anh Hoàng Đức tỏ vẻ thảng thốt mách các con. Chị Ngân đỏ mặt, giật lại điện thoại, nói "tiền người ta có kế hoạch cả rồi đấy", rồi chạy vào phòng. Anh Đức nhìn theo cười. "Tôi đoán vợ có nhiều khoản riêng giấu chồng nữa cơ, mà kệ cô ấy", ông chủ một cửa hàng tạp hóa, nói.
Anh Đức và chị Ngân đến với nhau tay trắng, nay đã có hai mặt con. Những ngày sinh con đầu, chỉ anh đi làm. "Đồ ngon, quần áo đẹp thì cô ấy dành cho chồng, cho con, còn mình thì mua đồ cũ mặc", anh kể.
Có lần con gái ốm, số tiền viện phí lên hơn 20 triệu đồng, anh Đức chưa biết vay đâu thì vợ bảo "để em rút tiết kiệm". Hóa ra, mỗi lần chồng đưa tiền chi tiêu, chị lặng lẽ trích một khoản nhỏ, phòng lúc ốm đau. Chị thường xuyên kêu túng thiếu, nhưng cứ khi nào chồng cần lo khoản lớn, tiền của chị lại xuất hiện. "Tôi biết vợ luôn lo toan cho gia đình nên phải cảm ơn những khoản quỹ đen của cô ấy", anh Đức nói.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm cho rằng, ngoài những khoản quỹ đen chính đáng, có những người giấu bạn đời tiền bạc để rượu chè, bồ bịch hoặc chiếm số tiền lớn, là công sức lao động của cả hai, để làm của riêng. Những quỹ đen kiểu này gây rạn nứt, đổ vỡ hôn nhân.
Cuộc hôn nhân của chị Hoàng Hà (40 tuổi, ở Ba Vì, Hà Nội) là một trong số đó. "Yêu nhau 5 năm, cưới nhau 10 năm, nhưng tôi chỉ biết một góc con người anh ấy", chị nói. Hai năm trước, chị Hà phát hiện chồng mua nhà riêng, chu cấp hàng tháng cho người tình ở TP HCM.
Thanh Tùng, chồng Hà, là giám đốc một doanh nghiệp, thi thoảng lại thông báo với vợ đi công tác TP HCM một tuần. Những ngày bên vợ con, anh thể hiện tình cảm, thân mật nhiều đến nỗi vợ "xóa mãi mới hết những bài viết cảm ơn tình yêu chồng dành cho mình".
Hai năm trước, một người bạn phát hiện chồng chị bế một bé trai, xưng ba. Không phản ứng, chị âm thầm bay vào Sài Gòn theo địa chỉ bạn cho và sốc "như muốn chết" khi chứng kiến chồng ngoại tình.
Anh Tùng thừa nhận mua nhà, nuôi vợ bé, con riêng đã 5 năm qua và muốn ly hôn để đến với người đàn bà khác. "Dù được bù đắp tài chính do có bằng chứng chồng ngoại tình, nhưng tôi chẳng thể giữ được gia đình cho các con", người mẹ lặng giọng.
Theo bà Tâm, vì muốn tài chính minh bạch, ngày nay, ngày càng nhiều cặp vợ chồng trẻ lập hợp đồng hôn nhân. Tuy nhiên, quá rạch ròi về tài chính trong một mối quan hệ đồng nghĩa đang coi trọng tiền bạc hơn cảm xúc dành cho nhau. "Đây không phải giải pháp phù hợp cho tài chính gia đình", bà nhận định.
Đồng quan điểm, chuyên gia Phong Nguyên nhận định, hòa hợp tài chính chỉ là một phần trong sự hòa hợp của một mối quan hệ. "Nếu chỉ hòa hợp tài chính mà không đồng cảm, thấu hiểu, hai người chỉ là đối tác, không phải vợ chồng", ông nói.
Thay vì nghĩ đến chuyện quỹ đen, ông Phong đề xuất các cặp vợ chồng cùng bàn thảo nên đóng góp, san sẻ tài chính cùng nhau bao nhiêu đủ đảm bảo chất lượng cuộc sống, đủ có không gian riêng, đồng thời, không ai thấy thiệt thòi hay quá áp lực.
"Cần phải linh hoạt trong việc xây dựng quỹ chung, theo từng giai đoạn. Không thể vợ chồng người làm nhiều, người làm ít mà đóng góp như nhau. Cũng không thể cứ nhất nhất bắt bạn đời phải đóng một khoản cứng nhắc, khi thu nhập trồi sụt", bà Nguyễn Thị Minh lưu ý thêm.
Nghe phân tích, chị Hồng Ánh thôi chiến tranh lạnh với chồng. "Nhìn lại, anh chưa từng làm gì có lỗi với tôi mà luôn vun vén cho gia đình. Từ nay, tôi sẽ gần gũi với nhà chồng hơn để anh đỡ khó xử", chị nói.
* Tên nhân vật đã thay đổi.
Phạm Nga