Các đôi thường sẽ hợp nhất tài chính sau kết hôn, một số khác chọn cách tiền ai người đó tiêu. Nếu thuộc nhóm thứ hai, bạn tiêu tiền vào khoản gì không quan trọng miễn là cả hai thống nhất quan điểm.
Tuy nhiên, có sự khác biệt giữa việc quản lý tài chính của mình với giấu hoàn toàn một khoản tiền lớn, không cho bạn đời biết.
Nhiều chuyên gia tài chính cá nhân cho biết, hầu hết các cặp vợ chồng đều có một khoản riêng tư nhỏ vì không muốn trở thành gánh nặng tài chính cho người kia hoặc mỗi khi cần chi tiêu lại phải xin xỏ.
"Có người lập quỹ đen vì không tin tưởng bạn đời quản lý tốt khoản đó hoặc lo ngại mối quan hệ không kéo dài", Todd Christensen, chuyên gia tư vấn tài chính của MoneyFit, dịch vụ hỗ trợ nợ cá nhân ở Idaho (Mỹ), nói.
Nói cách khác, mọi người có xu hướng lập quỹ đen với khoản tiền lớn khi có vấn đề trầm trọng trong mối quan hệ, chẳng hạn như thiếu sự tin tưởng hoặc cam kết.
Tuy nhiên, việc lập quỹ đen với khoản tiền lớn không phải lúc nào cũng xấu. Có ba tình huống nên giấu tiền.
1. Bạn đời bạo hành và bạn muốn thoát khỏi mối quan hệ này
Nếu sống chung với một kẻ bạo hành, thì giải thoát là quá trình đầy khó khăn. Ngoài gây tổn hại về thể chất, tâm lý, những kẻ lạm dụng còn muốn thao túng tài chính của nạn nhân như chiếm đoạt tiền, kiểm soát chi tiêu hoặc can thiệp công việc.... Việc này khiến nạn nhân bị phụ thuộc mọi nhu cầu cơ bản như thức ăn và nơi ở.
Nếu quyết định thoát khỏi cảnh này, các nạn nhân nên bí mật tích lũy tiền tiết kiệm để chăm sóc bản thân và con sau này.
2. Một cuộc chia tay sắp diễn ra
Nếu chưa kết hôn, bạn không có nghĩa vụ phải chia sẻ chi tiết về tài chính với người yêu. Ngay khi đã kết hôn, không có luật nào quy định vợ chồng phải tiết lộ tài chính riêng cho bạn đời.
Vì vậy, nếu mối quan hệ sắp kết thúc, bạn có thể âm thầm tiết kiệm từ khoản thu nhập để trang trải chi phí chuyển ra ngoài.
3. Bạn đang lên kế hoạch cho một điều bất ngờ
Nếu muốn tặng cho chồng/người yêu một món quà bất ngờ vào ngày sinh nhật hoặc ngày kỷ niệm, bạn sẽ khó giấu nếu công khai khoản đã chi. Trong trường hợp này, đương nhiên bạn có thể phải lén lút dồn tiền.
Khi bạn đời hoặc người yêu đang đối diện với những thách thức tình cảm, tinh thần... khiến họ chi tiêu không kiểm soát, thì việc bạn lập quỹ đen không giải quyết được vấn đề. Nếu chẳng may bị phát hiện, dễ dẫn đến mâu thuẫn gia đình. Trong trường hợp này, tốt nhất nên tìm đến chuyên gia lập kế hoạch tài chính hoặc tư vấn tâm lý.
Nếu bạn đời bị sa sút trí tuệ hoặc đã cao tuổi, có nguy cơ chi tiêu sai hay bị gian lận, hãy thông báo đến ngân hàng để đề phòng.
Mỗi cặp vợ chồng quản lý tài chính theo cách khác nhau. Vì vậy mức độ chia sẻ và can thiệp vào tài chính của đối phương tùy thuộc vào từng gia đình. Quan trọng là không nói dối hoặc lừa đảo.
"Minh bạch và cởi mở tài chính và cách quản lý tiền bạc như một đôi vợ chồng không có nghĩa phải công khai toàn bộ", nhà lập kế hoạch tài chính Anastasio nói.
Khi thấy cần phải giữ tiền, hãy tự hỏi bản thân tại sao. Nếu vì lý do chính đáng hoặc sợ hãi, chuyên gia khuyên nên chia sẻ điều đó với bạn đời. Họ có thể hiểu và ủng hộ quyết định duy trì một tài khoản riêng của bạn.
Nếu phát hiện bạn đời có quỹ đen, hãy cố gắng đừng nghĩ đến điều tồi tệ. Biết đâu, họ sẽ chia sẻ suy tư thật sự nếu bạn tiếp cận bằng sự cảm thông hơn là buộc tội, chuyên gia khuyên.
Nhật Minh (Theo Huffpost)