Trường hợp cần gia hạn, doanh nghiệp phải có văn bản đề nghị gửi Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi làm thủ tục. Thời hạn gia hạn mỗi lần không quá 30 ngày và không quá 3 lần gia hạn cho mỗi lô xăng dầu tạm nhập tái xuất.
Đó là nội dung chính trong quy chế mới về kinh doanh tạm nhập tái xuất xăng dầu do Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển vừa ký ban hành.
Cũng theo quy chế này, kinh doanh tạm nhập tái xuất xăng dầu là hình thức doanh nghiệp Việt Nam mua xăng dầu của một nước để bán lại cho một nước khác, có làm thủ tục nhập khẩu và xuất khẩu. Sẽ có hai hợp đồng riêng biệt dành cho kiểu tạm nhập tái xuất này, gồm hợp đồng mua xăng dầu do doanh nghiệp Việt Nam ký với doanh nghiệp của nước xuất khẩu và hợp đồng bán ký với doanh nghiệp của nước nhập khẩu (hợp đồng mua hàng có thể ký trước hoặc sau hợp đồng bán hàng).
Trường hợp mua xăng dầu từ nước ngoài để bán cho doanh nghiệp thuộc khu chế xuất, khu công nghiệp; bán cho máy bay của các hãng hàng không Việt Nam bay trên tuyến quốc tế và máy bay của các hãng hàng không nước ngoài hạ cánh tại Việt Nam hay bán cho tàu biển nước ngoài cập cảng Việt Nam, tầu biển Việt Nam chạy tuyến quốc tế cũng được coi là kinh doanh tạm nhập tái xuất.
Doanh nghiệp được phép tạm nhập xăng dầu theo một lô lớn và tái xuất nguyên lô hoặc theo từng lô nhỏ từ các kho chứa trong nội địa theo đúng số lượng và chủng loại đã tạm nhập. Nếu hàng đã tạm nhập nhưng không tái xuất hoặc không tái xuất hết, sẽ được chuyển vào tiêu thụ nội địa sau khi hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ về thuế, tài chính theo luật định và không phải xin phép Bộ Thương mại.
Song Linh