Là một trong 6 chuyên đề được Kiểm toán Nhà nước thực hiện trong năm 2011, quá trình kiểm tra việc trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu cho thấy hầu hết các doanh nghiệp đều thực hiện đúng theo hướng dẫn của Liên bộ Tài chính - Công Thương, góp phần bình ổn thị trường, giảm tần suất các lần điều chỉnh giá. Kiểm toán cũng không phát hiện ra sai phạm lớn nào từ phía các doanh nghiệp.
![]() |
Ngay cả khi kinh doanh lỗ, nhiều doanh nghiệp vẫn phải trích quỹ bình ổn. Ảnh minh họa: Hoàng Hà |
Tuy nhiên, do quy định phải trích quỹ theo mức cố định, trên mỗi lít xăng bán ra, nên ngay cả khi kinh doanh lỗ, doanh nghiệp vẫn phải trích quỹ, gây ra hiện tượng quỹ ảo: "Thông thường thì khi kinh doanh có lợi nhuận, người ta mới trích quỹ. Nay lợi nhuận đó âm, thì việc trích quỹ chỉ là trên số sách, không có nguồn thực, tạo ra quỹ ảo", Phó tổng kiểm toán Lê Minh Khái cho biết.
Cơ chế trích quỹ hiện nay cũng gây bất bình đẳng giữa các đầu mối, do điều kiện, cơ sở vật chất của các doanh nghiệp khác nhau. Trong điều kiện thua lỗ, việc trích quỹ sẽ càng gây khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ. “Chúng tôi kiến nghị với Bộ Tài chính và Chính phủ nghiên cứu cơ chế trích quỹ phù hợp hơn cũng như cơ sở tăng giảm giá xăng dầu", ông Khái nói.
Kiểm toán Nhà nước cũng đề xuất chuyển quỹ bình ổn xăng dầu về Kho bạc Nhà nước, thay vì để tại doanh nghiệp như hiện nay. Theo kiểm toán, đây có thể là giải pháp trước mắt để tạo tính minh bạch trong quản lý, sử dụng quỹ. Tuy nhiên, về lâu dài, quỹ vẫn cần được để tại doanh nghiệp để tạo tính chủ động, tránh cơ chế xin - cho.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - Nguyễn Đức Kiên cho rằng việc đưa quỹ bình ổn về Kho bạc sẽ giúp tạo đồng thuận trong xã hội ở giai đoạn hiện nay. “Nhưng để nói rằng việc làm này sẽ có lợi cho nền kinh tế hay không thì tôi có thể nói rằng: không”, ông Kiên nhận định. Theo chuyên gia kinh tế này, yêu cầu minh bạch là chính đáng nhưng trong quản trị doanh nghiệp, việc tách bạch “đồng nào mua mắm, đồng nào mua muối”, trong nhiều trường hợp là không hiệu quả và không cần thiết. Trong khi đó, thực tế kiểm toán cũng cho thấy doanh nghiệp không có sai phạm lớn trong việc sử dụng quỹ bình ổn.
Về vấn đề này, ông Lê Minh Khái cho rằng trong điều kiện doanh nghiệp khó khăn mà phải để một phần vốn “nằm im” trong quỹ là rất phí. Do đó, cơ quan quản lý có thể nghiên cứu để các doanh nghiệp đang đầu tư hiệu quả được tạm sử dụng quỹ, nhưng phải tránh mất mát, khi cần phải đảm bảo nguồn hoàn trả. Tuy nhiên, Phó tổng kiểm toán cũng nhận định để xây dựng được cơ chế giám sát, đảm bảo thực hiện như vậy là vô cùng phức tạp, khó khăn.
Quỹ bình ổn giá xăng dầu được áp dụng kể từ ngày 23/3/2009 nhằm thay thế việc bù lỗ của Nhà nước cho kinh doanh xăng dầu. Theo cơ chế được Bộ Tài chính ban hành, khoản tiền trích cho quỹ được tính dồn theo khối lượng xăng dầu thực tế đã bán trong tháng, hoặc trong năm của mỗi doanh nghiệp. Theo quy định tại Nghị định 84 ra đời sau đó, quỹ bình ổn được lập và để tại doanh nghiệp, được hạch toán riêng và sử dụng dụng duy nhất vào mục đích bình ổn giá bán lẻ khi thị trường thế giới biến bất thường. Cơ chế hình thành, quản lý, sử dụng cũng như mức trích quỹ trong từng thời kỳ do Bộ Tài chính quy định.
Tuy nhiên, sau hơn 3 năm triển khai, việc trích lập, sử dụng quỹ bình ổn cũng như bản thân Nghị định 84 đã xuất hiện nhiều bất cập, thậm chí có trường hợp " cạn quỹ". Hiện Bộ Tài chính đã đề xuất với Chính phủ phương án sửa đổi Nghị định 84. Trong đó, quỹ bình ổn được dự kiến đưa về quản lý tại Kho bạc Nhà nước với cơ chế hợp lý, tránh tình trạng xin - cho.
Liên quan đến việc điều hành giá một mặt hàng cơ bản khác là điện, kết quả kiểm toán niên độ 2010 cho thấy giá thành sản xuất điện bình quân tại Tập đoàn Điện lực (EVN) là 1.092 đồng một kWh, cao hơn so với mức 1.061,4 đồng mà doanh nghiệp báo cáo. Tuy nhiên, kiểm toán cũng cho rằng EVN chưa thực sự nỗ lực để giảm giá do có một số khoản lợi nhuận liên quan đến kinh doanh ngành điện, nhưng không được hạch toán để bù đắp chi phí. Chẳng hạn như khoản thu cho thuê cột điện, thanh lý tài sản ngành điện (khoảng 400 tỷ đồng), thu từ kinh doanh khác (2.900 tỷ đồng). Nếu các khoản này được hạch toán, giá thành điện có thể giảm khoảng 34 đồng mỗi kWh. Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết đây không phải các khoản buộc phải hạch toán nên việc làm của EVN, về lý, là không sai. Kiểm toán do đó chỉ khuyến cáo và kiến nghị rà soát để báo cáo Bộ Tài chính có sự chỉnh sửa quy định cho phù hợp. |
Nhật Minh