Năm 2014, anh Nguyễn Văn Dương, công nhân bảo trì nhà máy may ở Bình Dương, ngã từ mái tôn xuống đất khi vệ sinh nhà xưởng. Vụ tai nạn làm anh gãy đốt sống và cột sống ngực, liệt nửa người. Sau gần hai năm, anh mới hoàn tất hồ sơ để hưởng chế độ từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (gọi tắt là Quỹ bảo hiểm tai nạn).
Mất 90% sức lao động, anh Dương được nhận trợ cấp hàng tháng với mức hưởng 1,48 lần lương cơ sở (năm 2016 hơn 1,2 triệu đồng) theo quy định. Cùng với khoản hỗ trợ tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội, chi phí cho người chăm sóc, tổng số tiền anh nhận gần 2,5 triệu đồng. Đến nay mức hỗ trợ tăng lên 4,3 triệu đồng do lương cơ sở nhiều lần điều chỉnh.
Từ lao động trụ cột của gia đình, giờ đây anh phải ngồi xe lăn nên vợ luôn túc trực để chăm sóc. Sau này chị đẩy anh đi bán dạo tăm bông mưu sinh. Tuy nhiên công việc không thể duy trì thường xuyên do sức khỏe của anh ngày càng kém, nhiều bệnh vặt, cuộc sống gia đình lâm vào túng quẫn.
Anh Dương là một trong hơn 54.000 lao động hưởng trợ cấp từ Quỹ bảo hiểm tai nạn. Đây là quỹ thành phần của hệ thống quỹ Bảo hiểm xã hội, hình thành từ khoản góp của người sử dụng lao động với mức đóng 0,5% quỹ tiền lương làm căn cứ nộp bảo hiểm xã hội.
Báo cáo của Cục An toàn lao động (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), tính đến cuối năm 2022, quỹ này kết dư khoảng 60.000 tỷ đồng. Trung bình mỗi năm quỹ thu vào 6.000 tỷ đồng nhưng chi ra chỉ 1.000 tỷ đồng.
Mức chi chênh lệch với thu cũng thể hiện trong Quỹ bảo hiểm tai nạn ở TP HCM. Theo đó, 9 tháng đầu năm 2023, cơ quan quản lý quỹ tại thành phố thu hơn 307 tỷ đồng (mỗi tháng gần 35 tỷ đồng), song chi chỉ 82 triệu đồng, bình quân mỗi người nhận 1,3 triệu đồng.
Quy định hiện hành, mức chi trợ cấp hàng tháng căn cứ lương cơ sở (1,8 triệu đồng). Nếu lao động mất 31% khả năng làm việc sẽ hưởng 30% lương cơ sở, sau đó suy giảm thêm 1% thì mức nhận tăng thêm 2%. Như vậy, mức trợ cấp tối đa dành cho người không còn khả năng làm việc tương đương 1,68 tháng lương cơ sở (hơn 3 triệu đồng).
Ngoài ra tùy số năm đóng vào quỹ, người lao động được trợ cấp thêm một khoản dựa vào mức lương làm căn cứ đóng bảo hiểm. Ở năm đầu tiên, mức này được tính bằng 0,5%, mỗi năm tiếp theo thêm 0,3%.
Đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP HCM cho rằng các khoản tăng thêm không đáng kể bởi mức hỗ trợ cố định đang căn cứ vào lương cơ sở. Điều này làm cho số tiền người bị tai nạn nhận được khá thấp, không đủ trang trải cuộc sống.
Nghiên cứu của Vụ Pháp chế (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho kết quả tương tự khi hầu hết khoản trợ cấp tai nạn lao động mà Việt Nam đang thực hiện đều không gắn với thu nhập trước đó của người lao động. Tỷ lệ hưởng trợ cấp của lao động chỉ bằng khoảng 26,4% mức lương của lao động phổ thông, tương đương 1,23 triệu đồng mỗi tháng.
Ông André Gama, Giám đốc chương trình An sinh xã hội của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam, nhìn nhận Quỹ bảo hiểm tai nạn kết dư nhiều không phải "thu tốt mà bởi tiêu quá ít", tức chế độ chi trả thấp. Điều này chưa hợp lý khi mục tiêu của chính sách nhằm hỗ trợ, đảm bảo đầy đủ quyền lợi người lao động xảy ra rủi ro khi làm việc.
Vì vậy chuyên gia ILO khuyến nghị mức trợ cấp cần được điều chỉnh căn cứ trên lương thực tế của người lao động trước khi bị tai nạn. "Số người đang hưởng trợ cấp từ chế độ này không nhiều nên khi điều chỉnh theo hướng tăng lên chưa ảnh hưởng an toàn của quỹ", ông Gama nói.
Ông Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Khoa học và an toàn vệ sinh lao động (Tổng liên đoàn lao động Việt Nam), cho biết quỹ tồn đọng nhiều còn do thời gian qua chỉ tập trung chi giải quyết hậu quả, tức người lao động bị tai nạn, bệnh nghề nghiệp mới được hưởng. Trong khi các khoản chi cho phòng ngừa của quỹ (huấn luyện an toàn, khám bệnh nghề nghiệp, điều dưỡng phục hồi chức năng...) gần như không thực hiện.
"Thủ tục để lấy được tiền ra từ quỹ chặt đến mức không thể chi được", ông Thơ nói, dẫn chứng từ khi Luật An toàn vệ sinh lao động hiệu lực năm 2016 đến nay, mức chi cho các khoản này không đáng kể. Có năm quỹ chỉ chi 4 tỷ đồng cho 4 địa phương thực hiện công tác huấn luyện an toàn.
Trong khi đó ông Bùi Đức Nhưỡng, Phó cục An toàn lao động (Bộ Lao động, thương binh và Xã hội), nói người lao động bị tai nạn, suy giảm sức khỏe được hỗ trợ từ 2 nguồn là quỹ bảo hiểm tai nạn lao động và doanh nghiệp. Công tác hỗ trợ tùy theo mức độ tai nạn, nhưng với người suy giảm từ 81% trở lên doanh nghiệp phải trả ít nhất 30 tháng lương thực lãnh.
"Số tiền trên cộng với hỗ trợ của quỹ sẽ bù đắp một phần thu nhập cho lao động", ông Nhưỡng nói. Theo ông, mức đóng góp vào quỹ hiện nay chỉ 0,5% quỹ lương nhưng tỷ lệ hưởng đang gấp 30 lần. Việc chi trả này từ lúc người lao động bị tai nạn cho đến khi qua đời, nhiều trường hợp kéo dài vài chục năm. Do đó, quỹ cần phải tính toán để cân bằng trong dài hạn, nếu đóng ít hưởng nhiều sau này không có gì để bù.
Lý giải cho việc quỹ ít chi cho công tác phòng ngừa, ông Nhưỡng cho biết đây là quỹ dành cho người lao động nên chi phí cần được ưu tiên chi trả cho nhóm này. Còn công tác nghiên cứu, phòng ngừa là trách nhiệm của doanh nghiệp, nhà nước không thể lấy quỹ để chi trả.
Phó cục An toàn lao động nói "cần phải mừng" khi Quỹ bảo hiểm tai nạn, bệnh nghề nghiệp kết dư nhiều. Điều này chứng tỏ công tác đảm bảo an toàn lao động thực hiện tốt, số vụ tai nạn giảm. Khảo sát của cục, số vụ tai nạn lao động trên số người tham gia bảo hiểm xã hội từ năm 2005 đến nay đã giảm 50%, từ 12-13 vụ/100.000 lao động nhưng giờ đây còn 5-6 vụ.
"Sắp tới các đơn vị liên quan sẽ nghiên cứu để thay đổi mức hưởng do không còn lương cơ sở, thu nhập người lao động và đầu vào của quỹ cũng thay đổi", ông Nhưỡng nói. Tuy nhiên việc điều chỉnh mức hưởng cần đặt trong bài toán cân bằng quỹ. Bởi nếu mức này quá cao sẽ phải tăng mức đóng gây áp lực cho doanh nghiệp.
Trong ba quỹ thành phần của hệ thống Bảo hiểm xã hội, ngoài quỹ tai nạn lao động, quỹ hưu trí tử tuất cũng kết dư rất lớn giúp cân bằng trong dài hạn. Riêng quỹ ốm đau, thai sản chưa đảm bảo cân đối tài chính do một số năm chi vượt thu. Đến cuối năm 2022, tổng kết dư ba quỹ này hơn 1,1 triệu tỷ đồng, gấp 175 lần năm 1998, gấp 2,1 lần năm 2016.
Lê Tuyết